Phó Tổng giám đốc MobiFone: Không vướng nợ nần là một lợi thế
Thưa ông, lộ trình cổ phần hóa MobiFone theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hiện ra sao?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phương án cổ phần hóa (CPH) MobiFone phải hoàn thành và trình Thủ tướng trong năm 2014. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son đã có quyết định tách MobiFone khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), về trực thuộc Bộ để đẩy nhanh tiến trình CPH.
Bộ TT&TT chỉ đạo MobiFone trong quý III/2014, phải trình phương án CPH cho Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu được thông qua, dự kiến, đến cuối năm 2015, MobiFone sẽ hoàn tất việc CPH.
Những nét chính của phương án CPH này là gì?
Hiện tại, chúng tôi chưa thể công bố và Ban tổng giám đốc cũng chưa họp để thống nhất phương án.
Khi CPH, chắc chắn, MobiFone sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Vậy tiêu chí chọn lựa đối tác của MobiFone sẽ như thế nào?
Việc CPH sẽ tạo ra động lực, tạo sự tăng trưởng tốt hơn, lợi nhuận tốt hơn cho Nhà nước, cho doanh nghiệp và cho các cổ đông.
Trong việc chọn đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, MobiFone tập trung vào các tiêu chí, như có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có kỹ năng, kinh nghiệm quản trị tốt...
Kinh nghiệm từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Comvik là bài học rất bổ ích cho MobiFone trong việc lựa chọn đối tác nước ngoài.
Đã có thương hiệu nào nằm trong "tầm ngắm" của MobiFone khi CPH, thưa ông?
Tôi không thể tiết lộ danh tính, vì đang trong quá trình họp bàn, chọn lựa.
Việc CPH liệu có ảnh hưởng đến tính chất hoạt động hoặc định dạng thương hiệu của MobiFone thời gian tới?
Cách đây 20 năm, khi được đưa ra thị trường, các sản phẩm của MobiFone đều đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và xã hội, tạo nên sự thành công của MobiFone. Khi đó, MobiFone chưa có sự cạnh tranh lớn, nhưng hiện tại tình hình đã khác, khi một loạt các nhà mạng khác, như Viettel, VinaPhone đều rất mạnh và nhu cầu xã hội cũng có sự thay đổi.
Hơn nữa, hiện cần phải phát triển mạnh dịch vụ data, công nghệ mới như băng thông rộng, điện toán đám mây… nhằm phục vụ khách hàng nhanh hơn, tốt hơn. Việc CPH sẽ được kỳ vọng giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập về nhiều mặt. Đây là cơ hội cho MobiFone phát triển.
Vậy nguồn tài chính huy động từ CPH sẽ được MobiFone tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào? Phát triển hạ tầng hay phát triển dịch vụ giá trị gia tăng, thưa ông?
MobiFone có một lợi thế rất lớn về tài chính là không vướng các khoản nợ. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, nhu cầu về nguồn vốn rất lớn và làm thế nào để sử dụng vốn một cách hiệu quả cho sự phát triển là câu hỏi đặt ra với lãnh đạo MobiFone.
Nói cách khác, tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn để đảm bảo uy tín, niềm tin với nhà đầu tư rất được lãnh đạo MobiFone chú trọng.
Mobifone chọn trọng tâm nào để đầu tư?
Hạ tầng và dịch vụ là hai lĩnh vực đều sẽ được MobiFone chú trọng phát triển. Hạ tầng của MobiFone hiện do VNPT cung cấp, song trong giai đoạn tới, khi triển khai băng thông rộng, thì nhu cầu truyền dẫn rất lớn, bắt buộc MobiFone phải tự đầu tư cho mình để giảm thiểu chi phí thuê mướn và tăng tính hiệu quả trong vận hành.
Về mặt văn hóa doanh nghiệp, trước đây, MobiFone là "con" của VNPT, nên trong giai đoạn mới, vẫn phải cộng sinh với nhau và hợp thành cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.
MobiFone sẽ tập trung phát triển các dịch vụ nào?
Thứ nhất là điện toán đám mây; thứ hai là Big Data; thứ ba là các dịch vụ ứng dụng trên thiết bị di động. Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nên MobiFone phải theo.
Nguồn Đầu tư