Phó Tổng giám đốc BIDV: Tăng trưởng tín dụng 2013 khoảng 8-10%
Liên quan đến các giải pháp cơ quan quản lý sẽ ưu tiên thực hiện trong năm 2013 để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải pháp nhận được sự đồng tình của toàn bộ doanh nghiệp và phần lớn ngân hàng tham gia khảo sát là thành lập công ty mua bán nợ xấu, xử lý hàng tồn kho và tiếp tục giảm lãi suất.
Đánh giá về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc BIDV kiêm Giám đốc trường Đào tạo cán bộ BIDV.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của công ty này?
Theo tôi, việc thành lập công ty mua bán nợ xấu sẽ giúp ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp cũng có khả năng tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn ngân hàng khi mà các khoản nợ xấu được giải quyết, từ đó sẽ thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng.
Tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam sẽ giảm đi cũng khiến con mắt của nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam tích cực hơn. Việc này sẽ giúp đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, phát hành trái phiếu ra nước ngoài sẽ có chi phí rẻ hơn.
Bên cạnh đó, việc thành lập công ty mua bán nợ cũng giúp quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng nhanh hơn.
Công ty mua bán nợ xấu quốc gia để xử lý nợ xấu của ngân hàng có thời gian hoạt động nhất định, khoảng 7 đến 10 năm. Điều này có nghĩa sau khi xử lý xong nợ xấu thì nên chấm dứt hoạt động của công ty này.
Còn về mô hình công ty mua bán nợ do ngân hàng thương mại lập ra, hiện mô hình này không hiệu quả do các công ty này chủ yếu là sân sau của các ngân hàng, hoạt động èo uột. Với công ty quản lý nợ của Bộ Tài chính (DATC) thì đây là mô hình lập ra mới mục tiêu hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp, do vậy, DATC sẽ có thể tồn tại mãi mãi.
Ông nhận định như thế nào về việc phải xử lý các khoản nợ xấu trong bất động sản hiện nay?
Nợ xấu bất động sản hiện đang tồn tại do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là những khoản cho chủ đầu tư bất động sản vay nhưng gặp khó khăn nên thành nợ xấu. Thứ hai là tài sản thế chấp bằng bất động sản, loại này rất là nhiều, thường 60% tài sản đảm bảo là bất động sản. Thứ ba là nợ đọng xây dựng cơ bản (khoảng 93.000 tỷ đồng - Chính phủ báo cáo Quốc hội). Cho nên, thị trường bất động sản liên quan rất nhiều đến nợ xấu nói chung.
Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất, ông cho rằng lãi suất có thể giảm bao nhiêu và ở thời điểm nào?
Theo tôi, ngay tháng này, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc giảm lãi suất được với mức giảm cả đầu ra lẫn đầu vào (huy động và cho vay) khoảng 1%.
Việc giảm lãi suất này sẽ thể hiện được quyết tâm chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm và để sang năm chúng ta có dư địa để làm việc khác.
Với việc nợ xấu đang được xử lý, lãi suất sẽ giảm, ông nhận định thế nào về tình hình tăng trưởng tín dụng năm sau?
Tăng trưởng tín dụng có cao hơn không là phụ thuộc vào 3 vấn đề. Thứ nhất là xử lý nợ xấu; thứ hai là cầu bao gồm xử lý hàng tồn kho, nợ đọng xây dựng cơ bản; thứ ba là tình hình tài chính của doanh nghiệp có khá lên hay không.
Năm tới, tình hình thế giới và Việt Nam có đà phục hồi nhẹ hơn, dù còn rất nhiều khó khăn thách thức. Với kỳ vọng như vậy, nếu Chính phủ tiếp tục điều hành lạm phát tốt như năm nay (ở mức 1 con số), lãi suất có thể giảm thì khả năng vay của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, từ đó có cánh cửa để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng so với năm nay.
Năm tới, ở kịch bản bình thường thì tăng trưởng tín dụng có thể từ 8-10%.
Vfpress dẫn nguồn kết quả khảo sát thị trường về "Dự báo kinh tế vĩ mô 2013" của BIDV, năm 2013 được dự báo tiếp tục là năm đầy khó khăn với kinh tế Việt Nam.Thị trường tỏ ra khá "phân vân" giữa khả năng kinh tế Việt Nam đã rơi xuống đáy năm 2012 và sẽ bắt đầu hồi phục nhẹ (tăng trưởng 5,3-5,8%) hay tiếp tục ảm đạm như năm 2012 (tăng trưởng 4,8-5,3%). Tuy nhiên, tâm lý bi quan vẫn có phần chiếm ưu thế khi 45,3% số người tham gia lựa chọn phương án tăng trưởng 4,8 - 5,3% và thậm chí còn một bộ phận chiếm tỷ lệ 5,4% cho rằng tăng trưởng kinh tế còn giảm sâu xuống dưới 4,8%.Về lạm phát, hầu hết các thành viên tham gia cho rằng vấn đề này chưa đáng lo ngại và lạm phát sẽ chỉ dừng lại ở mức 1 con số trong năm tới khi 2 mức phổ biến là 8-9% với tỷ lệ 40% và 9-10% với tỷ lệ 30,7%. Các yếu tố có khả năng tác động mạnh đến lạm phát lần lượt là chi phí đẩy, điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ của cơ quan quản lý, dư thừa cung tiền và cầu kéo.Liên quan đến mặt bằng lãi suất, nhìn chung thị trường kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi xuống với tỷ lệ cao nhất 35,5% dành cho phương án 8%. Về lãi suất cho vay, 40% số thành viên trả lời dự báo lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm thêm 1-2%/năm so với cuối năm 2012. Ngoài ra, khả năng lãi suất cho vay giảm nhẹ vào đầu năm rồi tăng trở lại vào cuối năm cũng được một bộ phận khá lớn cân nhắc tới.Tăng trưởng tín dụng năm 2013 cũng được dự đoán tăng nhẹ so với năm 2012 khi 50% cho rằng mức tăng trưởng sẽ từ 7-10%.Về vấn đề tỷ giá, thị trường tin tưởng vào sự ổn định của tỷ giá năm 2013, khi đa số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ điều chỉnh tỷ giá dưới 3% trong năm tới, thậm chí giữ nguyên ở mức như hiện nay.Với môi trường kinh tế vĩ mô chưa khởi sắc, các tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong năm tới. Vàng và ngoại tệ là tài sản tiếp theo.Trong đợt khảo sát này, BIDV gửi đi 250 mẫu khảo sát và nhận được câu trả lời từ 92 đơn vị. Đối tượng là ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn nhất với 78,6%, sau đó là các doanh nghiệp chiếm 10,7% và khác chiếm 10,7%. |
Nguồn Khampha