Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nghị định 67 nhằm tạo bước phát triển đột phá trong phát triển thủy sản
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo chí về Nghị định có ý nghĩa quan trọng đối với nghề thủy sản này.
Nghị định 67 không phải là chính sách đầu tiên về phát triển thủy sản, cụ thể ở đây là tập trung đánh bắt xa bờ. Xin Phó Thủ tướng cho biết, Nghị định này có gì khác và mới hơn so với các chính sách cũ?
Trong thời gian qua, các quy định về thủy sản đã được ban hành khá đầy đủ nhưng chưa mang tính hệ thống, đồng bộ. Do vậy chưa phát huy được tác dụng thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh. Tại Hội nghị về thủy sản tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành một Nghị định về thủy sản, trong đó quy định một cách hệ thống các chính sách cơ bản, quan trọng nhất sao cho tạo bước đột phá cho ngành thủy sản nói chung, cho việc khai thác hải sản xa bờ nói riêng.
Sau thời gian khẩn trương xây dựng, Nghị định số 67 ra đời, với các chính sách căn cơ hơn để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ, cũng như dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ, định hình phương thức đánh bắt mới hiện đại, nâng cao giá trị thủy sản.
Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67 là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta. Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.
Điểm mới quan trọng thứ hai là quan điểm khuyến khích đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, trong đó ưu tiên hơn cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tàu dịch vụ hậu cần này là yếu tố cơ bản để cho một đội tàu khai thác xa bờ hoạt động hiệu quả.
Đi vào cụ thể, chính sách tín dụng được Chính phủ xây dựng trên quan hệ tín dụng thương mại, không phải việc lấy tiền từ ngân sách Nhà nước cho ngư dân đóng tàu một cách ồ ạt. Ngư dân và các ngân hàng thương mại làm việc với nhau, tính toán bài toán kinh tế rồi quyết định việc vay, cho vay. Nhà hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay,...
Đối với ngư dân vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép, Nghị định quy định dải mức lãi suất hết sức ưu đãi, cụ thể là từ 1- 3%/năm, có thể nói mức lãi suất thấp nhất hiện giờ, thời gian vay dài là 11 năm. Hạn mức cho vay cũng hết sức cao từ 70- 95% giá trị đóng mới tàu.
Chính sách cho ngư dân vay vốn lưu động tại Nghị định này cũng thể hiện tính đồng bộ trong chỉ đạo của Chính phủ. Trên thực tế vừa qua, có nhiều ngư dân có điều kiện kinh tế khó khăn tới mức phải vay “nóng” để trang trải cho gia đình mình trong quãng thời gian đi biển. Điều này gây hạn chế cho việc ra khơi, nhất là ra khơi xa, đánh bắt dài ngày của bà con. Do vậy, chính sách vay vốn lưu động cho ngư dân sẽ khắc phục được bất cập này trong đánh bắt thủy sản xa bờ.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho thân tàu và thuyền viên với thủ tục nhanh gọn nhất cũng sẽ giúp ngư dân của chúng ta an tâm bám biển hơn.
Nghị định 67 là chính sách được xây dựng trong thời gian ngắn. Một số ý kiến cho rằng chính sách sẽ không bao quát hết được những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Xin Phó Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này?
Thời gian xây dựng Nghị định cũng không phải là ngắn mà phải nói là công việc xây dựng Nghị định đã được Thủ tướng Chính phủ tập trung, quyết liệt chỉ đạo, các bộ, ngành chủ động, tích cực xây dựng. Nghị định 67 đã được xây dựng và ban hành đúng quy định của pháp luật.
Như trên đã nói, mục tiêu của Chính phủ không phải điều chỉnh mọi vấn đề của thủy sản mà chỉ giới hạn trong các vấn đề cốt yếu nhất, quan trọng nhất có thể tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành thủy sản. Các nội dung hiện nay của Nghị định đã được Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, xem xét trên nhiều mặt, thảo luận kỹ, cẩn trọng, nhiều lần, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ đóng tàu trước đây. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành nhiều lần trực tiếp đi khảo sát thực tế tại địa phương, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo địa phương, với bà con ngư dân sở hữu tàu, trực tiếp đánh bắt thủy sản.
Qua thực tiễn triển khai Nghị định, Chính phủ sẽ sơ kết việc thực hiện vào cuối năm 2016 để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng có cho rằng khi có hiệu lực, chính sách sẽ đi nhanh vào cuộc sống?
Theo Nghị định 67, việc quyết định đầu tư đóng tàu là quyền của bà con ngư dân, bà con tự quyết định nơi vay vốn, mẫu tàu, hiệu quả đầu tư. Nhà nước chỉ đưa ra các hỗ trợ về tín dụng, về bảo hiểm… cho ngư dân.
Chính phủ cũng rất thận trọng trong việc triển khai thực hiện. Trong Nghị định 67, Chính phủ cho phép từ thực tế tại địa phương, các địa phương quyết định lựa chọn đối tượng thí điểm triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả thực hiện hiệu quả thì nhân rộng ra toàn địa phương.
Nghị định 67 được xây dựng công phu, dựa trên cơ sở ý kiến của ngư dân, kết quả khảo sát thực tế, kinh nghiệm triển khai các chính sách trước đây và đúng với chủ trương của Nhà nước ta. Các bộ, ngành liên quan đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn Nghị định theo thẩm quyền, đảm bảo Nghị định được triển khai ngay khi có hiệu lực.
Tôi hy vọng rằng Nghị định 67 sẽ đạt được hiệu quả cao trong thực thi, đi vào cuộc sống, tạo ra bước đột phá trong phát triển thủy sản của nước ta.
Phó Thủ tướng đã đi khảo sát nhu cầu đóng tàu cá vỏ sắt, đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng hồi tháng 6/2014 cũng nhận được mong muốn của ngư dân là sử dụng tàu sắt để nâng cao hiệu quả kinh tế trong đánh bắt hơn là các mục tiêu khác. Phó Thủ tướng cho biết quan điểm của Chính phủ khi xây dựng và triển khai chính sách này?
Ưu điểm của tàu sắt trong đánh bắt xa bờ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc đầu tư tàu vỏ thép cũng có những khó khăn riêng như đầu tư lớn, chi phí vận hành cao, thuyền viên phải được đào tạo,… Chính phủ đã xác định không cứng nhắc trong hỗ trợ bà con ngư dân.
Quan điểm của Chính phủ là không chuyển đổi toàn bộ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép bằng mọi giá mà cần tiến hành có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Chính vì thế, trong Nghị định 67, song song với việc hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, Chính phủ vẫn có chính sách hỗ trợ đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ công suất lớn xa bờ, hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu đang hoạt động, hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền viên, hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu…
Quan điểm của Chính phủ là nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho ngư dân, coi đây là mục tiêu quan trọng nhất và kết hợp với đó là khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước ta.
Làm tốt Nghị định 67 cũng là góp phần tạo động lực xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân- một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước./.
Nguồn Chinhphu.vn