Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đỉnh nợ công vào năm 2016
Phó Thủ tướng nói: “Đúng là nợ công tăng cao. Thu ngân sách vẫn tăng, vượt so với kế hoạch, tăng so với năm trước nhưng cân đối tài chính ngân sách gặp khó (…). Chi ngân sách, đặc biệt chi thường xuyên tăng nhanh hơn thu, thành ra các chính sách an sinh xã hội vẫn phải ban hành ra, dẫn tới tình trạng chi đầu tư khó khăn, vì cơ cấu chi thường xuyên vẫn giữ, chi ngân sách không tăng lên như kế hoạch. Nghị quyết Đại hội Đảng có 3 đột phá, nói ngắn gọn là đột phá về thể chế, hạ tầng và giáo dục - khoa học. Sau khi thể chế hóa đường lối, Trung ương có nghị quyết riêng về thực hiện chiến lược đột phá về hạ tầng, và sau đó Chính phủ trình lên Quốc hội, trong đó có 2 dự án rất lớn là đường quốc lộ 1 cũ và đường 14. Trong bối cảnh chúng ta đang phát hành trái phiếu giai đoạn 2011-2015 với khoảng 225.000 tỉ đồng, thì cuối năm 2013, đầu năm 2014 lại phát hành thêm 170.000 tỉ đồng giai đoạn 2014-2016, trong đó chủ yếu 2 con đường kia. Đó chính là nguyên nhân tăng nợ công”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải bình tĩnh xử lý, khẩn trương nhưng cũng phải mất vài năm để lành mạnh nợ công. Nếu năm 2010 trong cơ cấu nợ công thì nợ nước ngoài gần 60%, nợ trong nước khoảng 40% thì đến năm 2013, nợ nước ngoài khoảng 50%, nợ trong nước 49% và cộng thêm nữa nợ bảo lãnh, chủ yếu vay trong nước thôi. Hiện nay chúng ta đang đi theo cơ cấu tăng nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài. Tổng dư nợ đúng là đang tăng tương đối nhanh trong mấy năm gần đây và đến nay đã lên tới gần sát đỉnh 65% GDP. Nhưng điều quan trọng nếu tính về an toàn nợ thì so với GDP chỉ là một chỉ tiêu thôi, chỉ tiêu hết sức quan trọng là có trả được nợ hay không. Trên thế giới có nước tổng dư nợ 100 % GDP, thậm chí còn cao hơn nữa như Nhật, Mỹ nhưng vẫn an toàn vì sức khỏe nền kinh tế mạnh, họ vẫn trả được nợ. Cũng có nước chỉ vay 20-30% GDP nhưng vẫn vỡ nợ vì không trả được nợ”.
Phó Thủ tướng cho biết việc chi trả nợ hiện nay tăng nhanh quá. Các khoản nợ ngoài nước không căng thẳng lắm, bởi bình quân lãi suất chỉ khoảng 1,6%/năm. Số nợ còn lại hiện nay, có thời gian vay trong khoảng 10-20 năm, bình quân 12,8 năm mới phải trả nợ gốc và sẽ tiến hành giảm dần dần từ từ.
“Nhưng nợ trong nước ngược lại, cái xấu chính là ở nợ trong nước, khi bình quân trả nợ chỉ trong khoảng 4,3 năm, thậm chí cơ cấu vay có khoản chỉ có 1 năm. Có kỳ hạn vay như năm 2013 vay 1 năm đã tới gần 22,7% rồi, chính vì thế phải trả nợ nhanh quá, vừa vay xong đã phải bố trí sang năm trả nợ rồi. Hơn nữa vay trong nước lãi suất tương đối cao, vì vay theo lãi suất thị trường, chính vay trong nước dẫn tới nợ công tăng nhanh, dẫn tới trả nợ rất căng thẳng, làm cho đỉnh nợ vào năm 2016. Chúng tôi đang bàn với nhau giải pháp phải cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ, làm sao để vay dài ra, vay 10 năm chẳng hạn, theo chu kỳ cuốn chiếu thì mình trả dần, trả dần những năm sau, vay càng dài thì càng lợi. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ để cơ cấu lại nợ, chủ yếu nợ trong nước, còn nợ nước ngoài tương đối an toàn” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh “trấn an” các đại biểu Quốc hội: “Chúng ta cũng bình tĩnh vì yêu cầu tăng trưởng phát triển thì chúng ta phải vay, nhưng bây giờ phải cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu đầu tư, làm sao sử dụng tiền cho hiệu quả, nếu làm ăn được, trả nợ được thì được, còn vay về làm ăn không tốt, đầu tư không hiệu quả, lãng phí tốn kém thì nguy cơ. Đây là điều Chính phủ rất quan tâm, đại biểu quan tâm, nếu tới đây cơ cấu lại nợ công thì nợ công sẽ lành mạnh hơn. Tỉ lệ nợ so với GDP là một chuyện nhưng áp lực lớn nhất là chi trả nợ tăng nhanh quá, phải làm sao để vừa sức của chúng ta, sang năm 2016 lúc bấy giờ phải xem xét, báo cáo với Đảng, Quốc hội xem lại huy động trái phiếu. Đến năm 2016 hết giai đoạn này thì có phát hành hay không phát hành, phát hành ở mức nào để nợ công xuống. Giả dụ chúng ta không phát hành nữa thì nợ công sẽ xuống nhanh nhưng sẽ không có nguồn để đầu tư, làm ăn kinh tế nên phải tính toán làm sao cho hài hòa để tăng trưởng phát triển”.
Nguồn Người Lao Động