Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới phải từ trên xuống
Nghị quyết 19 năm 2018 phải quyết liệt hơn với mục tiêu phải hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành; tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn tối đa 10%; giảm 1/2 danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành….
Đó là một phần nội dung liên quan đến thực hiện Nghị quyết 19 năm 2018 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các bộ ngành, địa phương thực hiện, tại Hội nghị quốc tế về Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng ngày 15.3.
Quá trình triển khai Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017 cho thấy, với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể, nhất quán đã giúp nhiệm vụ đặt ra đối với cải thiện môi trường kinh doanh là khả thi, đo lường được, quy trách nhiệm rõ ràng. Qua đó tạo ra sự khác biệt, tác động tích cực thực sự đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017, có 4 chỉ số có sự cải thiện mạnh: Tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, 4 chỉ số đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh, phá sản doanh nghiệp đứng cuối bảng xếp hạng không có cải thiện, giảm điểm, tụt hạng hoặc ở vị trí thấp.
Quá trình cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành, hầu hết các bộ, ngành mới tập trung xử lý một số vụ việc cụ thể, gây bức xúc cho doanh nghiệp, như Bộ Công thương bãi bỏ kiểm tra formadehyte, thay đổi dán nhãn năng lượng, Bộ Y tế thay đổi phương thức quản lý về an toàn thực phẩm, Bộ Xây dựng bỏ 4 nhóm sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, thống nhất 1 bộ quản lý mặt hàng phân bón…
Người đứng đầu CIEM khẳng định, kết quả đạt được về cải cách quản lý chuyên ngành mới chỉ bước đầu, chưa mang tính hệ thống và còn xa so với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 19 là giảm 20% số lượng và 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành.
Thực trạng này dẫn đến việc các cải cách quy định về điều kiện kinh doanh đạt một số kết quả, chuyển động tích cực, nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt, ông Cung cho biết.
Nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, bà Catherine Masine, Trưởng Nhóm Tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để cải cách, thông qua việc cải thiện những chỉ đang ở thứ hạng thấp như phá sản doanh nghiệp, tranh chấp hợp đồng, khởi sự kinh doanh.
Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Catherine Masine khuyến cáo, Việt Nam có thể phát triển hệ thống toà án theo hướng chuyên môn hoá, tăng cường khung pháp lý nhằm xử lý kịp thời, nhanh chóng các vấn đề xảy ra trong quá trình thực thi hợp đồng, thực hiện phá sản, tranh chấp tại doanh nghiệp.
Với chỉ số khởi sự kinh doanh, vai trò quan trọng của việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, một cửa duy nhất, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp xử lý thủ tục giữa các cơ quan quản lý. Từ đó, có thể giảm số thủ tục cũng như thời gian thực hiện khởi sự kinh doanh ở Việt Nam, bà Catherine Masine nói thêm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017, trong năm nay những bộ ngành chưa được chú ý phải chuyển động mạnh hơn để đạt được các chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh.
“Tinh thần đổi mới phải từ trên xuống”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu: Các bộ, ngành cần sát vào thực tế các địa phương, lựa chọn một số việc giải quyết đến cùng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân đóng góp, sáng tạo và phát huy giá trị.
Phó Thủ tướng yêu cầu: "Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành không phải là ra văn bản đúng thời gian, đúng hạn, mà nội dung văn bản đó giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp, người dân”.