Thứ Năm | 18/12/2014 17:14

Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ huy cứu nạn sập hầm thủy điện

Sáng 18/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã trực tiếp vào hiện trường, chỉ đạo công tác cứu hộ.

Nằm trong khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, hầm thủy điện Đạ Dâng đã thi công được 600m đường hầm. Chỉ còn hơn 100m nữa, hầm này sẽ được thông nhưng sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi hầm thủy điện bất ngờ bị sập vào sáng 16/12. Hơn 30 công nhân đang làm việc bên trong chỉ có 20 người chạy thoát ra ngoài miệng hầm còn 12 người khác bị kẹt bên trong. 

Đoạn bị sập nằm cách miệng hầm 500m, nằm âm dưới mặt đất 70m. Mọi nỗ lực quay lại cứu đồng nghiệp của những người thoát chết đều vô vọng khi lối thoát duy nhất lúc này bị chặn bởi khối đất, đá khổng lồ. Sau 12 giờ đầu nỗ lực cứu nạn, lực lượng cứu hộ mới khoan để kết nối được thông tin, đưa thức ăn, nước uống tới những người bị nạn.

Tuy nhiên đến nay, 12 công nhân vẫn bị cô lập. Sau 2 ngày, nhiều phương án được đưa ra, song việc đưa 12 công nhân bị kẹt bên trong hầm thủy điện bị sập vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình quá khắc nghiệt. Mưa lớn cả ngày hôm qua (17/12) khiến nước ngầm trong hầm ngày càng cao lên. Tại vị trí sập phía trên đỉnh đồi có 2 hố sâu, đất đá từ đây vẫn tiếp tục đổ xuống. 

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã liên tiếp có các chỉ đạo, yêu cầu lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm ứng cứu sự cố sập hầm của ngành than cũng như lực lượng công binh quân đội tới hiện trường, trưng dụng một số thiết bị chuyên dụng của các nhà thầu tập trung để đảm bảo khả năng ứng cứu tốt nhất đối với những người bị nạn.

Trực tiếp có mặt tại hiện trường, Phó Thủ tướng đã nghe lực lượng cứu hộ cứu nạn báo cáo tình hình diễn tiến vụ việc.

Theo phương án mới nhất được các lực lượng công binh, cấp cứu mỏ của TKV, Sông Đà, lực lượng cứu nạn sẽ tập trung khoan thẳng từ trên đỉnh xuống điểm hầm có các công nhân bị kẹt. Do vấn đề địa hình nên tốc độ đào chỉ đạt khoảng 7-8m/ngày và dự kiến sẽ mất khoảng 3-4 ngày mới đến được chỗ các công nhân – một phương án tính toán cho biết.

Đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ bên ngoài vẫn duy trì tốt việc liên lạc, động viên tinh thần những người bị kẹt trong hầm, đồng thời duy trì việc tiếp tế đồ ăn, thức uống. Máy bơm đã được triển khai để hút bớt nước trong hầm. Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẩn trương yêu cầu các đơn vị, lực lượng liên quan tính toán kỹ càng, nhanh chóng các phương án để đưa ra biện pháp tối ưu trên tinh thần “vừa khẩn trương, vừa đảm bảo an toàn cao nhất để cứu người bị nạn”.

Phương án đào hầm mà TKV đưa ra sẽ được bổ sung thêm 25 nhân lực từ Quảng Ninh vào cho con số hơn 10 người hiện nay. Lực lượng công binh cũng sẵn sàng nhân lực, phương tiện và các phương án dự phòng, tránh trường hợp thời tiết diễn biến xấu gây cản trở cho việc tiếp cận mục tiêu. Song song với đó, phía tiếp giáp điểm sập hầm duy trì liên tục liên lạc với những người bị kẹt, tiếp tế các vật dụng cần thiết như thuốc tăng lực, chống lạnh..., xem xét tình trạng sức khỏe từng cá nhân trong hầm. Với tư cách Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ra lệnh trưng dụng, tập trung phương tiện, lực lượng chuyên trách chuyên nghiệp, hiện đại nhất để đảm bảo khả năng thành công cao nhất nhiệm vụ ứng cứu công nhân.

Hiện lực lượng cứu hộ đang vẫn nỗ lực với nhiều phương án để sớm tiếp cận nạn nhân. Cảnh sát cứu hộ, lực lượng PCCC TPHCM cũng được nhờ chi viện. Một nhóm bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã đến Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các nạn nhân.

Nguồn Chinhphu.vn