Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế đang phục hồi nhưng còn chậm và nhiều thách thức
Mục tiêu kinh tế 2013 cơ bản đạt được
Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ giảm hộ nghèo). So với số đã báo cáo Quốc hội, có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng cả năm là 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dư nợ tín dụng cả năm tăng 12,5%; Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,63%; Mặt bằng lãi suất giảm 2 - 5%/năm. Tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ hai liên tiếp. Đến cuối năm 2013 nợ công bằng 53,4% GDP, nợ Chính phủ 41,5%, nợ nước ngoài của quốc gia 37,2%, trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia...
"Kết quả trên cho thấy, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội, khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 vẫn phù hợp và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội", Phó Thủ tướng nói.
Bước vào năm 2014, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình hình kinh tế - xã hội trong nước thuận lợi hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lường trước tình hình này, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; Tỷ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng tăng 16,9%; nhập khẩu tăng 13,7%; xuất siêu khoảng 684 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013; chi ngân sách nhà nước đạt 32,9% dự toán, tăng 7,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6,7%. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 6%.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 5,4%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định. Dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Trong 4 tháng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% về số doanh nghiệp và 16,2% về vốn; đã có hơn 5,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mục tiêu kinh tế 2013 cơ bản đạt được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá thực chất hơn thực trạng của nền kinh tế qua diễn biến sản xuất và đời sống cũng như tính khách quan số liệu của các báo cáo, một số ý kiến băn khoăn về công tác dự báo, công tác thống kê và đánh giá tình hình tiếp tục bộc lộ hạn chế. Một số chỉ tiêu quan trọng như cán cân thương mại, thu ngân sách, tăng trưởng dư nợ tín dụng thông tin độ chính xác chưa cao, điều chỉnh nhiều lần và có khác biệt khá lớn giữa các lần báo cáo, công bố thông tin. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dù được xác định là nhiệm vụ ưu tiên nhưng kết quả triển khai chưa có chuyển biến mạnh mẽ.
Tiếp tục điều hành kinh tế linh hoạt
Nói về giải pháp những tháng còn lại của năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi tích cực, nhất là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ tăng trưởng chậm lại và gặp nhiều khó khăn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động nhưng vẫn còn các điểm nóng. Tình hình biển Đông đang diễn biến căng thẳng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực và thế giới.
Kinh tế nước ta đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh... rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế mở ra không gian phát triển rộng lớn nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả tại thị trường trong nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đang là khó khăn, thách thức lớn.
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng đầu năm, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp. Phân bổ tín dụng hợp lý, phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng 12 - 14%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định giá trị đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối. Thực hiện các giải pháp phù hợp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước. Kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Từng bước xử lý các khoản mà ngân sách còn nợ. Bảo đảm bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Nguồn Thời báo Ngân hàng