Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính sách tiền tệ của NHNN đã đóng góp lớn với Chính phủ
Trong những năm qua, đặc biệt là hai năm trở lại đây, kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn; đất nước phải đối mặt với một số vấn đề đã tồn tại, tích tụ trong một thời gian dài như lạm phát cao, lãi suất ngân hàng neo đậu ở mức cao; sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; sức mua thị trường suy giảm, chỉ số hàng hóa tồn kho ở mức cao; thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu có xu hướng gia tăng...
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hết sức chủ động trong việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm ổn định thị trường tiền tệ.
Có thể thấy rằng chính sách tiền tệ đã đóng vai trò then chốt trong các giải pháp điều hành của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá ổn định, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, và đồng thời hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.
Chính phủ đã có những ghi nhận gì đối với kết quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thưa ông?
Trước hết, ngành ngân hàng đã chia sẻ, đồng hành cùng với doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như tích cực giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ; tiếp xúc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và chủ động tháo gỡ.
Thứ hai, chính sách điều hành của NHNN đã hướng dòng vốn tín dụng tập trung hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và các dự án hiệu quả.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến khá tích cực, tăng trưởng được cải thiện, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm và sản xuất kinh doanh cũng có những tín hiệu khả quan hơn.
Xung quanh việc triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước, ông có những đánh giá cụ thể như thế nào?
Việc ban hành Nghị định 24 đã xử lý những bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng cũ theo Nghị định 174/1999/NĐ-CP trong bối cảnh có sự bất ổn kinh tế vĩ mô và giá vàng thế giới biến động mạnh.
Nghị định 24 được ban hành đã tạo khung pháp lý mới để quản lý hoạt động kinh doanh vàng, từng bước sắp xếp, tổ chức thị trường vàng một cách căn bản, đặc biệt là thị trường vàng miếng. Ngoài ra, Nghị định 24 cũng có các quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân đối với vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trong hơn một năm qua, NHNN đã nỗ lực và nhanh chóng triển khai các nội dung quy định tại Nghị định 24 như cấp phép mua, bán vàng miếng cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện; tổ chức sản xuất vàng miếng; triển khai nhanh việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng nhằm mục tiêu chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Đồng thời, NHNN đã và đang thực hiện can thiệp để bình ổn thị trường vàng.
Có thể thấy chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, NHNN đã tổ chức tốt hoạt động đấu thầu bán vàng miếng một cách công khai, minh bạch nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường. Tuy nhiên, NHNN còn tiếp tục phải xử lý và cần thêm thời gian để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các tổ chức tín dụng đang phải tất toán số dư huy động vốn bằng vàng đã sử dụng để chi trả cho tới ngày 30/6/2013 và giá vàng thế giới biến động bất thường thời gian qua cũng ảnh hưởng tới mức chênh lệch giá.
Như vậy, có thể khẳng định việc ban hành Nghị định 24 là đúng hướng, nhờ đó sự biến động của giá vàng không còn tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Nguồn Vneconomy