Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tái cơ cấu phải phụ thuộc vào thị trường
Đến bây giờ thì nông nghiệp còn có 19% trong cơ cấu kinh tế, lao động trong khu vực nông nghiệp cũng chỉ còn 46% và số người sống ở nông thôn chỉ còn hơn 60%. Như vậy chúng ta đã có cả quá trình tái cơ cấu rồi, chứ không phải là không làm gì để bây giờ mới làm.
Thưa ông, vậy tái cơ cấu lần này chú trọng vào vấn đề gì?
Vấn đề của tái cơ cấu hiện nay là phải tập trung vào thị trường nhiều hơn, quan tâm đến nó nhiều hơn. Trước đây mình vẫn quen sản xuất ra cái gì thì đem bán cái đấy, bây giờ phải dựa vào nhu cầu của thị trường và chính thị trường đã dạy cho chúng ta bài học này. Ví dụ, Việt Nam trồng lúa rất nhiều, năm 2012 thị trường rất tốt thì mình bán được, nông dân phấn khởi. Nhưng đến năm 2013 nhiều quốc gia chuyển đổi chính sách, họ tập trung sản xuất lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, do đó xuất khẩu của chúng ta gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đứng trước tình hình này mình phải bình tĩnh nhìn dài hạn. Thế giới sẽ là 9 tỉ người chứ không dừng lại ở 7 tỉ người như bây giờ. Hơn nữa, diện tích đất nông nghiệp, các vựa lúa của thế giới đang bị tấn công ác liệt bởi biến đổi khí hậu và các ngành kinh tế phi nông nghiệp. Do đó, cân đối lương thực vẫn là vấn đề lớn của thế giới trong tương lai. Những khó khăn của thị trường lúa gạo năm 2013 chỉ là tạm thời. Nếu chúng ta không hoạch định chiến lược một cách bền vững, không nhìn xa trông rộng mà thay đổi ngay thì rất nguy hiểm.
Thưa ông, nhưng với những người nông dân sản xuất nông nghiệp họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn tạm thời, không dễ gì vượt qua được. Các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng tăng trưởng của ngành nông nghiệp bị giảm sút do khó khăn của nền kinh tế?
Đúng là như vậy, nên bây giờ chúng ta mới cần phải bình tĩnh để xem cái gì là ngắn hạn, cái gì là dài hạn. Chúng ta đã vấp phải vấn đề này trong quá khứ nhiều lần rồi: cà phê giảm giá thì tất cả cùng chặt cà phê trồng mía, sang năm mía giảm lại chặt mía trồng cây khác… Nếu cứ như vậy thì không bao giờ khá lên được. Đành rằng hiện nay thu nhập của người làm nông nghiệp không cao. Bạn nói rất đúng là với người nông dân thì họ nghĩ rằng "các ông cứ nói chiến lược dài hạn rất hay nhưng với tôi thì ngày mai sẽ sống bằng gì, vốn lưu động của tôi rất ít nên thất bát một vụ là trắng tay".
Thế nhưng ở đây cần phải thấy rằng chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp lại liên quan chuyển dịch cơ cấu chung chứ không phải chỉ trong ngành. Mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch rất mạnh trong thời gian qua thì vẫn là 46% lực lượng lao động chỉ làm ra có 19% trong cơ cấu tổng sản phẩm, như vậy có nghĩa là năng suất lao động vẫn thấp. Như vậy cùng với nông nghiệp thì phải phát triển được công nghiệp và dịch vụ để thu hút được nhiều lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực này. Mục tiêu của chúng ta là giảm tỉ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn 10% và chỉ giảm xuống mức này thì người làm việc trong ngành nông nghiệp mới giàu được. Đây mới là mấu chốt của vấn đề. Nếu không đẩy được tỉ lệ lao động trong công nghiệp, dịch vụ lên thì không giải quyết được.
Chúng ta không thể điều hành được giá thế giới, do vậy chúng ta phải cải thiện năng suất và hiệu quả lao động của mình thì mới có kết quả. Chúng ta nhớ rằng trước đây dường như không thể đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp được do số lao động trên một đơn vị diện tích quá lớn, sản xuất quá manh mún. Nhưng khi người nông dân hiểu được rằng cần phải sản xuất quy mô hơn, số lao động dịch chuyển bớt sang các lĩnh vực khác vì công lao động cao hơn thì chúng ta mới đưa máy móc vào được. Ý tôi muốn nói là tái cơ cấu phải phụ thuộc vào thị trường chứ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mình được.
Nguồn Tuổi trẻ