Phó Thống đốc nói về "đô lên, rúp xuống"
Hiện thị trường thế giới đang chứng kiến sự đi lên chóng mặt suốt một thời gian dài của đồng USD và sự sụt giảm mạnh của đồngrRúp. Nhiều khả năng, tới đây FED sẽ nâng lãi suất USD trong khi Nga đang tìm mọi cách để cứu vãn đồng rúp. Hiện Nga và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, vậy sự đi lên và đi xuống ngược chiều của hai đồng tiền trên sẽ tác động như thế nào tới nước ta?
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập, chính sách tiền tệ và các chính sách điều hành vĩ mô khác luôn chịu tác động của diễn biến kinh tế thế giới, trong nước, trong đó có các yếu tố quốc tế như đồng rúp giảm, khả năng FED tăng lãi suất sau khi dừng gói QE3…
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, xu hướng tăng, giảm của hai đồng tiền trên không tác động bất lợi tới Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Nga khoảng 4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD. Việc đồng rúp Nga giảm có tác động đến xuất khẩu nước ta nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều. Vì hầu hết các DN thanh toán chủ yếu bằng USD. Đơn cử, tại Vietcombank, 95% đơn hàng xuất khẩu sang Nga được thanh toán bằng USD.
Ngược lại, việc FED dự định tăng lãi suất vào năm 2015 (có thể là quý II/2015) sẽ tác động nhiều đến kinh tế nước ta, song theo chiều hướng tích cực. Phó Thống đốc cho rằng, việc FED nâng lãi suất đồng nghĩa với khả năng phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ cao hơn. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ thuận lợi hơn.
Mặc dù đồng USD và đồng rúp có sự xáo trộn song đại diện NHNN cũng cho rằng, dòng tiền FDI, đầu tư gián tiếp đổ vào Việt Nam vẫn sẽ ổn định nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, ổn định xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc Việt Nam liên tục được các tổ chức tài chính quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm thời gian qua cộng với những cải cách môi trường kinh doanh… sẽ là những “điểm cộn” giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài”- bà Hồng đánh giá.
Mặc dù vậy, đại diện NHNN cũng khẳng định, những diễn biến đáng quan tâm của kinh tế thế giới đòi hỏi sự phối hợp tốt để đưa ra những kịch bản dự báo. Nhận thức được tầm quan trọng của điều hành kinh tế vĩ mô, hiện 4 bộ bao gồm: NHNN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã bắt tay nhau để phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô.
Nguồn Báo Đầu Tư