Thứ Bảy | 09/02/2013 13:51

Phó chủ tịch UBCK: Thị trường chứng khoán năm 2013 sẽ sáng hơn năm 2012

Chứng khoán là bức gương phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nếu muốn thị trường chứng khoán phát triển thì đầu tiên bức tranh kinh tế vĩ mô phải tốt.
Ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, năm 2012 đây là một năm có nhiều biến động. Thị trường chứng khoán (TTCK) là tấm gương phản ánh rõ rệt biến động của nền kinh tế Việt Nam, năm qua được đánh giá là một năm khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, lãi suất ngân hàng cao, tồn kho lớn, nợ xấu...

Tuy nhiên cũng có nhiều điểm sáng như cán cân thanh toán thặng dư cao, tỷ giá ổn định, lãi suất ngân hàng giảm dần vào cuối năm; đồng thời khả năng sáng lên khắc phục cho năm 2013 có nhiều dấu hiệu tốt hơn cho năm 2013.

Thưa ông, công tác quản lý thị trường chứng khoán năm qua có nhiều áp lực không?

Năm 2012 chúng tôi thấy rằng, UBCK đã làm khối lượng công việc đồ sộ hơn hẳn các năm trước. Luật chứng khoán sửa đổi của năm 2007, UBCK đã trình Bộ Tài chính 22 Thông tư hướng dẫn, khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, năm qua cũng là năm mà công tác giám sát quản lý đã được đẩy lên một bước khác hẳn với các năm trước.

Cụ thể, Thông tư 226 về quản lý chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK đã được ban hành, thông qua Đề án tái cấu trúc TTCK,... Trên cơ sở đó có bức tranh rõ hơn về hoạt động của các CTCK, từ đó có những biện pháp quản lý hiệu quả và an toàn.

Huy động vốn của các doanh nghiệp so với các năm trước đã tăng khá cao với trên 170 nghìn tỷ đồng, trong đó có 150 nghìn tỷ được thu qua nguồn trái phiếu doanh nghiệp, chứng tỏ việc huy động vốn qua thị trường vẫn còn khó khăn đối với doanh nghiệp.

Ông thấy tâm lý các nhà đầu tư trong năm qua như thế nào?

Trải qua một năm 2012 có lúc lên lúc xuống, chúng ta thấy đầu năm thị trường tương đối tốt, giữa năm giảm sút và cuối năm lại phục hồi trở lại. Nhìn chung tâm lý của nhà đầu tư không phải nhìn vào TTCK mà nhìn vào diễn biến chung của nền kinh tế.

Theo đánh giá của ông thì năm qua UBCK thực hiện khối lượng công việc đồ sộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, ông có thấy đây là một áp lực không?

UBCK cố gắng hoàn thành 2 công việc lớn một là khuôn khổ pháp lý để TTCK hoạt động theo chuẩn và hướng đến chuẩn mực quốc tế và thứ hai là việc thanh tra giám sát để việc giao dịch ở thị trường đảm bảo tính minh bạch.

Còn việc thị trường tăng điểm tốt hay xấu thì phụ thuộc nhiều vào bức tranh vĩ mô của nền kinh tế.

Còn việc quản lý các CTCK, nhiều ý kiến cho rằng việc đó cũng thực hiện chưa đến nơi đến chốn?

Thực tế trong quá trình hoạt động có nhiều CTCK đã không tuân thủ pháp luật, nhiều công ty đã lạm dụng cổ phiếu hoặc tiền của khách hàng… đó là con sâu làm rầu nồi canh mất uy tín trên thị trường.

Chính vì thế, UBCK tăng cường khâu thanh tra giám sát mạnh trong năm 2012, đặc biệt là chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK, chúng tôi đã thành lập hội đồng để giám sát kiểm tra lại, báo cáo lại từ đó phân loại và xử lý tương đối nghiêm còn có các hoạt động xử lý bổ sung, đình chỉ hoạt động, rút giấy phép môi giới. Nhưng để mọi việc đi vào nề nếp thì cần phải có thời gian.

Ngay những ngày đầu năm 2013 nhiều CTCK đã lên tiếng ngừng hoạt động với lý do khó khăn về thị trường, theo dự đoán của ông sự ra đi đó có còn nhiều trong năm 2013 này không?

Trước khi CTCK Âu Việt xin ý kiến cổ đông về việc giải thể công ty cũng đã có nhiều CTCK phải cắt các dịch vụ nhằm giảm cắt chi phí tài chính để vượt qua khó khăn, tồn tại.

Hoạt động của một CTCK phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường. Trong khi đó, TTCK lại phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế vĩ mô. Nếu năm nay kinh tế không có những biến chuyển thì khó khăn mà các CTCK gặp phải sẽ tiếp tục gay gắt hơn nữa.

Năm 2013 UBCK cũng phát đi những thông điệp về phát triển những sản phẩm phái sinh, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Một trong những cột trụ để tái cấu trúc TTCK thì điều quan trọng là xây dựng cơ sở cho những nhà đầu tư có tổ chức. TTCK Việt Nam còn rất phôi nha với hơn 90% là nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư tổ chức ít nên phải phát triển nhà đầu tư có tổ chức thông qua xây dựng các quỹ đầu tư như quỹ đầu tư đại chúng, quỹ đầu tư thành viên và đa dạng hóa các thành viên quỹ này.

Cuối năm 2011 đã ban hành Thông tư về quỹ mở, từ đó phát triển các sản phẩm như quỹ ETF, Bất động sản, hưu trí tự nguyện, repo... dần dần hình thành ra thị trường phái sinh chuyên môn hóa cao.

Năm 2013 được xem là năm trọng tâm để thực hiện các vấn đề này.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng những sản phẩm này luôn đi sau nhu cầu của thị trường, ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng, cái gì cũng cần có thời gian đi từ đơn giản đến phức tạp từ thấp đến cao. Trong khi đó, những nghiệp vụ của thị trường phái sinh luôn phức tạp đòi hỏi phải có kiến thức, năng lực. TTCK Việt Nam mới ra đời, đang còn trong giai đoạn sơ khai nên không thể đòi hỏi những sản phẩm trình độ cao như thế.

Năm 2013 UBCK đã đề ra khá nhiều các kế hoạch nhằm phát triển thị trường, vậy ông kỳ vọng gì về sự chuyển mình của TTCK Việt Nam trong năm 2013?

Chứng khoán là bức gương phản ánh sức khỏe của một nền kinh tế, nếu muốn TTCK phát triển thì đầu tiên bức tranh kinh tế vĩ mô phải tốt.

Tôi cho rằng giải pháp vĩ mô của Chính phủ về ưu tiên ổn định, chống lạm phát, không đặt nặng về vấn đề tăng trưởng. Một khi lạm phát được kiềm chế thì lãi suất có cơ hội giảm và làm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Những nỗ lực về giảm hàng tồn kho bất động sản mà Chính phủ đang làm cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của TTCK trong năm 2013.

Ở chiều ngược lại thì vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay nếu được làm rõ, cụ thể hơn thì rất có thể sẽ có những tác động xấu đến thị trường. Nhưng thị trường cũng đang tin vào những quyết tâm của Chính phủ về việc xử lý nợ xấu sẽ được bắt tay ngay trong năm 2013 này.

Tóm lại, tôi nghĩ rằng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 có nhiều điểm sáng hơn năm 2012.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguồn CafeF


Sự kiện