Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hoa Kỳ
Hôm nay (11/4), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn Việt Nam đã lên đường tới thăm làm việc tại Hoa Kỳ và tham gia Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp của Việt Nam (VELP) tại Đại học Havard, Hoa Kỳ từ ngày 11-21/4/2015.
Chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay.
Kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2013, hai nước đã tăng cường cơ chế hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại - đầu tư, khoa học công nghệ...
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ năm 2005 với kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong thời gian qua và đạt khoảng 36 tỷ USD năm 2014, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến tháng 7/2014 đạt gần 11 tỷ USD với 699 dự án, đứng thứ 7 trên tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam.
Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực Ngoại giao Kinh tế và Đối thoại chính sách giữa chính phủ và doanh nghiệp” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Chương trình VELP 2015 được tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới tiêp tục giữ đà phục hồi tăng trưởng song chưa thực sự vững chắc, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều thách thức như bất ổn chính trị ở một số khu vực, nhất là châu Âu và Đông Á; tốc độ phục hồi không đồng đều giữa các nền kinh tế; bất bình đẳng gia tăng; tăng trưởng kinh tế không đi đôi với tạo việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong bối cảnh đó, UNDP đang thúc đẩy các nước thực hiện tăng trưởng bao trùm và bền vững nhằm chia sẻ thành quả tăng trưởng cho mọi người dân.
Trong chuyến thăm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trao đổi với các chuyên gia, học giả về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thể chế, luật pháp và tư pháp của Việt Nam, đồng thời trao đổi thông tin và đẩy mạnh những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Nguồn Báo Đầu Tư