Thứ Sáu | 31/05/2013 17:06

Phó Chủ tịch LienVietPost Bank: Có cơ hội giảm tiếp lãi suất cho vay khi hoãn Thông tư 02

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank về việc hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm 1 năm.
NHNN vừa có quyết định hoãn Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong bài trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đánh giá việc hoãn áp dụng Thông tư 02 này là cần thiết. Mặc dù mục tiêu chuẩn hóa hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế là đúng, nhưng trong điều kiện hiện nay, khi doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn thì việc áp dụng sẽ không phát huy hiệu quả mà đôi khi có thể lợi bất cập hại.

Ông cho rằng việc lùi thời gian áp dụng Thông tư 02 thêm 1 năm nữa là xác đáng?

Thông tư 02 của NHNN đưa ra những quy định theo thông lệ quốc tế và các ngân hàng Việt Nam phải thực hiện lâu dài. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng thời điểm 1/6/2013 thì sẽ là “vật cản” tạo khoảng cách giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) và khách hàng nói chung. Bởi nếu thực hiện Thông tư 02 trong thời điểm này, nợ xấu của NHTM có thể tăng từ 5 – 10%. Vì tất cả các khoản gia hạn nợ lần đầu phải chuyển sang nợ nhóm 3 - là nhóm nợ xấu. Mà nợ gia hạn lần đầu chưa chắc đã là nợ xấu.

Do đó, nếu áp dụng sẽ giảm cơ hội tiếp cận vốn của DN. Và khi tỷ lệ nợ xấu tăng, các ngân hàng càng thận trọng hơn trong cấp tín dụng. Đồng thời, khi nợ bị chuyển nhóm thì ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, nên lãi suất cho vay sẽ tăng.

Do vậy, việc ban hành Thông tư 12 sửa đổi một số điều của Thông tư 02 giúp các NHTM giảm sức ép về chi phí, có cơ hội tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giữ được khách hàng cũ đồng thời có thêm khách hàng mới. Qua đó, giúp tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn.

Liệu việc hoãn thực hiện Thông tư 02 có khiến các ngân hàng dễ dãi hơn trong quản lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro?

Theo tôi, dù chưa áp dụng Thông tư 02 các TCTD vẫn phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN; và theo đúng quy định là khách hàng chậm trả nợ thì món nợ bị chuyển nhóm và các TCTD không được phép cấp tín dụng mới cho các khách hàng đang có nợ xấu. Thông tư 02 có sự kế thừa của Quyết định 493 và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN, nhưng mở rộng hơn.

Ví dụ, đối với các khoản ủy thác cấp tín dụng mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân theo hợp đồng, TCTD ủy thác vẫn phải thực hiện phân loại các khoản ủy thác này như là một khoản cho vay đối với bên nhận ủy thác... Phải thừa nhận rằng, để đáp ứng yêu cầu khá khắt khe của Thông tư 02, các NHTM cần một quá trình chuẩn bị dài hơi. Thực tế, từ thời điểm ban hành Thông tư đến khi có hiệu lực chỉ khoảng 5 tháng, tương đối ngắn, nên việc giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm là cần thiết.

Vậy theo ông việc lùi lại 1 năm đã đủ thời gian để các NHTM chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các quy định của Thông tư 02?

Dưới góc độ là người trong cuộc, theo tôi đối với DN, NHTM có thể cảm thấy 1 năm hơi ngắn. Nhưng chúng ta đang đi trên con đường hội nhập hướng đến chuẩn mực quốc tế; thực hiện lộ trình minh bạch hóa tài chính của các DN, nên lùi thời gian áp dụng Thông tư 02 chỉ trong 1 năm sẽ là vừa đủ. Còn nếu phân tích theo hướng “bệnh lý” hiện nay NHNN đã hội chẩn đúng, bốc thuốc phù hợp, kịp thời cung cấp oxy giúp cho DN “dễ thở” hơn, hỗ trợ ngân hàng và cả nền kinh tế trong bối cảnh khỏi khó khăn hiện nay.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện