Thứ Năm | 20/11/2014 21:22

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: 'Tại sao lại ấn định lãnh đạo đều được tín nhiệm?'

Phần lớn các đại biểu Quốc hội đều đề nghị chỉ nên quy định 2 mức phiếu "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" khi đánh giá vị trí lãnh đạo cấp cao.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội nội dung dự thảo Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chiều 20/11, Ủy ban thường vụ Quốc hội giữ nguyên 3 mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” và chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ.

Phản đối nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp cho rằng, quy định 3 mức tín nhiệm dẫn đến hệ quả, chưa cần tiến hành lấy phiếu đã mặc định kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp.

"Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?", bà Nga đặt câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải có mức phiếu “không tín nhiệm” để phù hợp với quy định đánh giá cán bộ “không hoàn thành nhiệm vụ” thể hiện tại Điều 29 Luật cán bộ, công chức. Nếu không có quy định “không tín nhiệm” thì vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu Quốc hội, hạn chế luôn cả quyền của cử tri vì lá phiếu đánh giá là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình vì nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ.

"Chỉ cần quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm và không tín nhiệm”, bà Nga đề xuất.

Chia sẻ với bà Nga, đại biểu Võ Thị Dung nêu câu hỏi, việc sửa đổi này phải chăng là đã quá lo cho sự “an toàn” của người được lấy phiếu? "Tôi tha thiết đề nghị nên thể hiện hai mức 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm' khi lấy phiếu", bà Dung đề xuất.

Đa số đại biểu cũng không đồng tình với quy định trong dự thảo khi chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong cả một nhiệm kỳ. Đại biểu Chu Sơn Hà cho biết, rất đông cử tri đề nghị mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần. Lần thứ nhất là cuối năm thứ 2 và lần thứ 2 là cuối năm thứ 4. Quá trình giãn ra đủ để những người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

"Lấy phiếu tín nhiệm lần 2 tương tự như tái giám sát các cuộc giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội. Lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm, lần thứ 2 tái giám sát để xem các vị đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội ra sao, chuyển biến như thế nào", ông Hà phân tích.

Theo vị đại biểu Hà Nội, lần đầu lấy phiếu tín nhiệm nên là cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ. Lúc này, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã có đủ thời gian để nắm bắt công việc và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao. Hai năm tiếp theo, căn cứ vào kết quả tín nhiệm, những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ khắc phục, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ. Và lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai được tổ chức vào cuối năm thứ 4 để lấy kết quả phục vụ cho đại hội Đảng các cấp. Đây là một kênh quan trọng để người dân có căn cứ đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Thị Nga phân tích, nếu kết quả lấy phiếu lần đầu cho kết quả tín nhiệm đối với một chức danh không cao thì lần thứ 2 ghi nhận nỗ lực, chuyển biến của nhiều Bộ trưởng. "Vậy tại sao chúng ta tự tước đi quyền ghi nhận của Quốc hội, quyền được ghi nhận các chức danh về nỗ lực khắc phục hạn chế? Họ sẽ mãi mãi mang tiếng là bị tín nhiệm thấp?", bà Nga phân tích.

Đại biểu Bùi Thị An cũng thống nhất, nếu chỉ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm một lần mỗi nhiệm kỳ thì sự theo dõi, đánh giá các chức danh không liên tục, người được lấy phiếu không khắc phục được khiếm khuyết của mình.

“Lãnh đạo có tầm, có tâm sẽ coi lấy phiếu là cơ hội để khắc phục khuyết điểm”. Đại biểu An nhấn mạnh.

Nguồn Vnexpress