Phở 24 và Y khoa Hoàn Mỹ bị truy thu thuế hơn 100 tỷ đồng
Riêng Công ty Phở 24 bị truy thu thuế thu nhập cá nhân của 6 thành viên khi chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Phở 24 với tổng số tiền là 18 tỷ đồng.
Cục Thuế TP HCM cho biết, Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn đã sử dụng chiêu thức thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh đồng thời thay đổi nhiều địa điểm kinh doanh khiến cho việc chuyển nhượng diễn ra lòng vòng, làm khó cơ quan quản lý.
Công ty này đã 3 lần chuyển địa điểm, 4 lần thành lập chi nhánh và 7 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ cũng thay đổi từ 118 tỷ đồng lên tới 155 tỷ đồng. Tuy công ty đã kê khai việc chuyển nhượng vốn theo quy định, nhưng một số cổ đông lại không kê khai đầy đủ thuế thu nhập cá nhân của lần chuyển nhượng trong năm 2011.
Riêng trường hợp Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Phở 24 chuyển nhượng cho Công ty Việt Thái Quốc Tế, sau đó Việt Thái Quốc Tế tiếp tục bán 50% cổ phần từ Phở 24 cho Jollibee. Trong khi đó, tháng 9/2008, Phở 24 có 6 cá nhân chuyển nhượng vốn, có phát sinh chênh lệch lớn giữa giá chuyển nhượng và giá vốn, tức là có phát sinh thu nhập nhưng không kê khai với cơ quan thuế và chưa kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài hai đơn vị trên, Cục thuế TP HCM cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, cơ quan này đã thanh kiểm tra tại 2.899 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt là 1.072 tỷ đồng, bằng 143,8% so cùng kỳ năm 2013, đã nộp vào ngân sách Nhà nước 371 tỷ đồng, giảm lỗ 1.588 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 70 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng nợ đọng thuế tăng cao khi tổng số tiền thuế, tiền phạt còn nợ đến ngày 31/3/2014 tăng 10,32% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 1.765 tỷ đồng.
Nguyên nhân, theo Cục thuế TP HCM chủ yếu do doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong nguồn vốn kinh doanh, chưa thực hiện nộp thuế đúng hạn. Cục thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhưng gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp có nợ thuế lớn, kéo dài, đa số thuộc diện bị truy thu và phạt, khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản thì có giá trị tài sản không lớn hoặc không có tài sản để thực hiện biện pháp cưỡng chế; hoặc đi khỏi địa điểm kinh doanh, sau đó thành lập công ty khác.
Ngoài ra, khi áp dụng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, chủ doanh nghiệp thường cố tình tránh né bằng nhiều cách để không cung cấp hóa đơn cho cơ quan thuế. Song song đó, các ứng dụng chương trình quản lý nợ khi được nâng cấp thường xuyên bị lỗi và không ổn định về số liệu, mất rất nhiều thời gian để khắc phục.
Nguồn VnExpress