Philippines đầu tư 15,8 triệu USD vào nuôi cá tra nhằm hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam
Theo kế hoạch phát triển ngành cá tra của Philippines, DTI sẽ xây dựng vùng nuôi cá tra có tổng diện tích 270 hecta, sử dụng 2.700 lao động và sản xuất 614 tấn cá tra philê mỗi tháng.
Theo Cruz, DTI đã xây dựng Chương trình cá tra và cho tới thời điểm hiện tại, ngành này đang thực thi 6 dự án, bao gồm: Nuôi cá tra hữu cơ, Cơ sở chế biến cá và cơ sở ương nuôi cá giống ở Trung tâm Mangungaya cho Liên minh PALMA, Xe vận chuyển cá tra ở Tandag, Surigao del Sur, Mô hình trại nuôi cá tra hữu cơ ở San Simon, Cagayan de Oro và Dự án TDP ở thành phố General Santos cho Tateh và Thức ăn BMEG.
Cruz nói: "Chúng tôi đã bắt đầu triển khai dự án cá tra nhằm hạn chế việc nhập khẩu, thực hiện chương trình an ninh lương thực của chính phủ và tăng cường các chương trình việc làm cũng như các dự án sinh kế có khả năng giải ngân nhằm phục vụ các nhóm thu nhập cụ thể"."
Theo báo cáo ủa DTI, kể từ năm 2008, Philippines nhập khẩu trung bình 30-40 côngtenơ cá tra mỗi tháng từ Việt Nam, tương đương 600 tấn, trị giá 1,650 triệu USD.
"Ngành cá tra Philippines là một ngành sản xuất triển vọng và đang trong giai đoạn tăng trưởng. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã giám sát 48 dự án khuyến ngư và các dự án này hiện đang được triển khai ở các khu vực khác nhau trong cả nước," Cruz cho biết thêm.
Cruz cũng nhấn mạnh những thành tựu mà ngành này đã đạt được, như đã thâm nhập 15 thị trường mới và 8 đầu mối thị trường, phát triển 38 sản phẩm mới bao gồm 26 thực đơn, 22 sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển 3 thương hiệu mới: La Pangga, Santa Marta và Carm Foods và củng cố, duy trì 20 tổ chức.
Cá tra, còn được biết đến trên thị trường với tên gọi "cream dory", là nguyên liệu phù hợp cho chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng như cá xông khói, cá viên, bánh nhân thủy sản, xúc xích, xúc xích, hotdog, tocino, chicharon, chả cá vv.
Cá tra thuộc nhóm cá nước ngọt quan trọng thứ ba trong ngành nuôi trồng thủy sản. Loài này có thể được nuôi ở một số vùng miền nhất định và ở bất kì diện tích ao nuôi nào. Nó cũng có khả năng thích nghi với môi trường nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp.
Cá tra có thể thu hoạch sau 6 tháng nuôi với tỉ lệ sống khoảng 95%. Các nguồn nước và đầm nuôi chưa được khai thác hoặc bị bỏ hoang như các sông, suối và đầm lầy có thể được tận dụng để thả nuôi cá tra, Cruz cho biết.
Người dân Philippines phụ thuộc rất lớn vào các vùng nước mặn nhưng hoạt động kinh tế của con người và biến đổi khí hậu đã dẫn tới những thay đổi trong hệ sinh thái nước mặn của nước này. Sản lượng khai thác thủy sản giảm đáng kể và không chỉ ảnh hưởng tới các ngư dân khai thác xa bờ, các nhà chế biến thủy sản mà cả các ngư dân ven đô thị.