Phiên xử Huyền Như tới 17h chiều 6/1
15h 30: Bản cáo trạng khá dài nên hai đại diện của Viện KSND TPHCM phải thay nhau đọc, trong đó, phần cáo trạng về bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro, quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Vietinbank, Chi nhánh TPHCM) đã thể hiện khá rõ tội danh của bị cáo này.
Cụ thể, “siêu lừa” Huyền Như cùng đồng bọn bị truy tố hàng loạt tội danh gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cho vay nặng lãi”, “vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
14h chiều 6/1, phiên toàn xét xử "siêu lừa" Huyền Như cùng đồng bọn bắt đầu
Huyền Như mím môi, đan tay vào nhau khi ngồi nghe công bố cáo trạng
Huỳnh Thị Huyền Như vẫn là nhân vật trung tâm của vụ án. Huyền Như thu hút sự chú ý bởi gương mặt đeo kính cận trông rất tri thức và chiếc quần đen ủi phẳng, chiếc áo mini màu hồng cánh sen.
Đến lượt mình đứng dậy nghe cáo trạng, Huyền Như bình thản tiến gần đến trước vành móng ngựa đón nhận. Gương mặt không biểu lộ cảm xúc dù đôi tay đan chặt vào nhau. Nghe xong phần mình, Huyền Như lặng lẽ quay trở lại ghế ngồi. Chốc chốc, nữ bị cáo này cúi mặt, sự mệt mỏi dường như đang thấm dần vào cơ thể của nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Vietinbank, chi nhánh TPHCM.
Mọi người theo dõi phiên toà qua hai tivi bên ngoài
Cáo trạng truy tố Huyền Như về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định tại khoản 4, Điều 139 và khoản 3, Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank, Chi nhánh TPHCM đã vay cá nhân trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, TP Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, nên Huyền Như mất khả năng thanh toán.
Nắm được nghiệp vụ ngân hàng, cộng với chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng một lệnh. Trong thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM để huy động tiền.
Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người đàn ông trên đường Phạm Hồng Thái, gần công viên 23/9, quận 1 làm giả 8 con dấu đứng tên các cơ quan, đơn vị gồm: Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm toàn cầu, Saigonbank - Berjaya.
Tuyệt chiêu huy động vốn với mức hưởng lãi suất chênh lệnh cao bằng việc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của ngân hàng và một số cá nhân đơn vị, Huyền như đã dễ dàng đưa các con mồi vào bẫy đã giăng sẵn. Một số ngân hàng thông qua các cá nhân và công ty tư nhân để gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM đã bị Huyền Như lừa mất trắng cả nghìn tỷ đồng.
Huyền Như sử dụng các con dấu giả này làm giả các chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức cá nhân rồi chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền là 3.982 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Như trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân, trả nợ gốc, nợ lãi…
Kết quả điều tra cũng xác định, Huyền Như thực hiện trót lọt tội phạm có phần giúp sức của một số bị cáo, trong đó, trợ thủ đắc lực nhất là Võ Anh Tuấn, (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TPHCM), Huỳnh Hữu Danh (nguyên nhân viên ngân hàng VIB TPHCM), Phạm Anh Tuấn (nguyên Giám đốc công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương)…
Sau phần công bố cáo trạng đối với Huỳnh Thị Huyền Như, chị gái của Huyền Như là Huỳnh Mỹ Hạnh và các bị cáo khác như Võ Anh Tuấn, Phạm Anh Tuấn… đều lần lượt tiến về trước vành móng ngựa để nghe đại diện VKS đọc cáo trạng.
Do được đánh giá là vụ án có tính chất vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, số tiền lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay nên HĐXX sẽ có 5 thành viên với 2 thẩm phán, 3 hội thẩm. VKSND TPHCM cũng thừa ủy quyền của VKSND Tối cáo cử 3 kiểm sát viên (trong đó có 1 kiểm sát viên dự khuyết) giữ quyền công tố tại phiên tòa. Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.
Nguồn Dân trí