Bên cạnh bán hàng, tại Phiên chợ nông sản hữu cơ, người bán còn có thể trao đổi hạt giống và kinh nghiệm gieo trồng. Nguồn ảnh: TL
Phiên chợ kết nối nông dân 4.0
Mỗi tháng một lần, một quán cà phê hay homestay yên tĩnh nào đó tại Đà Lạt lại sôi động hẳn lên với Phiên chợ nông sản hữu cơ. Nơi đây, người bán là những nông dân trẻ kiên trì áp dụng các kỹ thuật canh tác hướng đến bền vững; còn người mua là du khách trong và ngoài nước quan tâm đến nông sản sạch.
Những nhà nông “đặc biệt”
Từ 5 nhà cung cấp trong phiên chợ đầu tiên vào tháng 2.2019, đến nay Phiên chợ nông sản hữu cơ đã thu hút được hơn 20 nhà cung cấp với chủng loại ngày càng đa dạng như trà, cà phê, rau quả, hạt điều mật ong, gia vị, gốm mộc Chu Ru, tinh dầu, mỹ phẩm tự nhiên, hàng handmade.
Sáng lập nên phiên chợ là Leoni Hapunkt, cô gái người Đức từng sống ở nhiều quốc gia với các dự án thiện nguyện liên quan đến nông nghiệp. Mối quan tâm lớn của Leoni Hapunkt là sự suy giảm 70% số lượng các loài côn trùng trong 30 năm qua và gốc rễ của vấn đề này là việc sử dụng hóa chất trong hệ thống nông nghiệp hiện đại.
hi đến Đà Lạt, cô đã thuyết phục thành công một số cộng sự người địa phương cùng tạo nên Phiên chợ nông sản hữu cơ Đà Lạt và Vườn cộng đồng Bee Garden - nơi trồng các loại rau và hoa dại, tạo môi trường thu hút côn trùng sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên.
Để tổ chức được phiên chợ, trong vòng 6 tháng, 4 thành viên của Ban tổ chức (Eila Rain, Mateusz Buzko, Bùi Anh Tuấn và Leonie Hofsäss) đã tìm kiếm, trao đổi, đến thăm, phỏng vấn và tập hợp những nông dân “đặc biệt” dám từ chối sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm khi canh tác. Toàn bộ mặt hàng đều là sản phẩm hữu cơ do các nông dân này sản xuất, trực tiếp cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Đó là những trái mít, bơ của cặp vợ chồng trẻ Thân Văn Công ở xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) với hướng phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp, trồng xen các loại cây ăn trái dưới tán rừng; là những bó rau dớn, ống hút tre, cà phê Robusta đến từ cao nguyên Di Linh với mùi thơm đặc trưng; hay rau củ từ một nông trại nhỏ nằm men theo con đường đập thủy điện Ankroet nép bên những ngọn đồi.
Sáng lập nên phiên chợ là cô gái người Đức Leoni Hapunkt từng sống ở nhiều quốc gia với các dự án thiện nguyện liên quan đến nông nghiệp. Nguồn ảnh: TL. |
Lê Ngọc Thanh Duy, một kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm đang làm việc tại Tùng Hạ Farm, chuyên sản xuất tinh dầu Lavender, cũng là thương hiệu thường xuyên có mặt tại phiên chợ, cho biết: “Ngày càng có nhiều người tìm đến lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, những người chọn con đường này ở Đà Lạt đang phát triển tự phát và phiên chợ chính là nơi đầu tiên họ có thể gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ và cùng đồng hành trên con đường này”.
Mở ra cánh cửa mới
Bên cạnh bán hàng, tại phiên chợ này người bán còn có thể trao đổi hạt giống và kinh nghiệm gieo trồng. Nơi đây dần trở thành địa điểm để những nhà nông chọn con đường hữu cơ tạo động lực và kết nối lẫn nhau. Ngoài ra, sản phẩm được trưng bày trên các sạp tre, nứa và đóng gói sản phẩm trong các túi giấy, nhằm truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường.
Hướng đến người dân sống tại Đà Lạt và cả du khách, những người tổ chức phiên chợ muốn thiết lập sự kết nối giữa người cung ứng nông sản sạch với người dân Đà Lạt và du khách.
Với chi phí 50.000-100.000 đồng một lần tham dự, nhóm thiện nguyện tạo ra được một hệ thống mua bán trực tiếp không qua trung gian, giúp người bán được giá tốt hơn, người mua mua được nông sản an toàn với giá phải chăng khi mà những mặt hàng này không có cơ hội quảng cáo nhiều, lại càng khó có cơ hội để có mặt trong những siêu thị lớn.
Vừa là thành viên tổ chức vừa là nông dân bán hàng tại đây, anh Bùi Anh Tuấn chăm sóc 2,7 ha cà phê Robusta và Arabica ở Đức Trọng, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu. Trong 2 niên vụ vừa qua, vườn cà phê của anh đạt tổng sản lượng từ 4-5 tấn nhân.
Nếu bán nguyên liệu hạt nhân theo giá thị trường, doanh thu vào khoảng 120-150 triệu đồng. Nhưng anh đã giữ lại toàn bộ sản lượng hạt nhân để chế biến tại chỗ theo dây chuyền rang xay tự động, đạt tỉ lệ 5 tấn cà phê nhân thành 4 tấn cà phê bột thành phẩm.
Thương hiệu nông sản hữu cơ của Bùi Anh Tuấn là “Rin Coffee - nông dân trồng - nông dân rang xay”. Khi đến hội chợ, sản phẩm của anh đã được khá đông khách hàng trong và ngoài nước quan tâm, mua về sử dụng, lưu lại địa chỉ liên lạc sau này.
Anh Tuấn chia sẻ: “Hạch toán cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với chế biến tại chỗ theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đã nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lên gấp 3 lần so với bán nguyên liệu thô”. Và cứ sau khi kết thúc mỗi hội chợ, Bùi Anh Tuấn lại có thêm nhiều bạn hàng tiêu thụ trong và ngoài nước. Nhờ vậy, Rin Coffee gần như không có tình trạng tồn kho.
Tham gia phiên chợ gần đây đáng chú ý có Phan Minh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ Nông nghiệp Xanh tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng. Hợp tác xã thành lập gần 2 năm, đến nay có 8 thành viên cùng đồng thuận sản xuất rau theo hướng hữu cơ khoảng 12 ha, trong đó chỉ giới hạn 0,7 ha nhà kính, còn lại đều sản xuất ngoài trời. Hàng sản xuất ra cung cấp ổn định cho thị trường TP.HCM, Vũng Tàu hơn 60 loại rau, củ, quả qua các kênh bán sỉ, lẻ theo hình thức online và cả trực tiếp đến khách hàng.
Đến với phiên chợ này, Phan Minh Tuấn muốn khẳng định với người tiêu dùng rằng rau hữu cơ không quá đắt đỏ, phần lớn giá bán chỉ cao hơn 10-15% so với sản phẩm cùng loại sản xuất theo phương thức thông thường.