Phía sau nhập siêu
Nhập siêu tăng gần gấp đôi
Trong cơ cấu thương mại, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chủ đạo, với xuất khẩu và nhập khẩu luôn chiếm trên 60% kim ngạch. Dù vậy, yếu tố khiến Việt Nam nhập siêu lại không đến từ khối này. 9 tháng đầu năm nay, trong khi doanh nghiệp FDI xuất siêu 9 tỉ USD thì doanh nghiệp Việt Nam lại nhập siêu 13 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.
Nếu tách nhóm doanh nghiệp FDI ra, Việt Nam luôn nhập siêu. Cụ thể, mức nhập siêu của doanh nghiệp trong nước năm 2013 là 6,5 tỉ USD, năm 2014 là 7,7 tỉ USD. Nghĩa là các năm qua, nhờ những hoạt động xuất khẩu vượt trội của nhóm FDI mà thương mại ở Việt Nam nói chung mới đạt xuất siêu.
Đi vào hàng hóa nhập khẩu, theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, Việt Nam nhập nhiều nhất cho các mặt hàng công nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Trong đó, riêng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đã chiếm 16,7% giá trị hàng hóa nhập khẩu và được doanh nghiệp FDI mua vào vượt trội. Tuy nhiên, nếu như doanh nghiệp FDI có thể xuất khẩu 5,2 tỉ USD cho mặt hàng này thì doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ có khả năng xuất khẩu vài trăm ngàn USD, dù nhập khẩu hơn 7,7 tỉ USD.
Tương tự, ở mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, doanh nghiệp FDI gần như làm chủ hoàn toàn cuộc chơi. Đây là mặt hàng được FDI nhập khẩu nhiều nhất, gần 16 tỉ USD nhưng được xuất khẩu trở lại với giá trị hơn 11 tỉ USD. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 1,4 tỉ USD nhưng chỉ xuất khẩu được hơn 200 triệu USD cho mặt hàng này.
Đặc biệt, với mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, nếu nhóm FDI có thể đạt giá trị xuất khẩu gần 30 tỉ USD, gấp 3 lần nhập khẩu thì trái lại, Việt Nam xuất khẩu hầu như không đáng kể so với nhập khẩu cả tỉ USD.
Có thể thấy, với những mặt hàng đòi hỏi ứng dụng công nghệ, Việt Nam hoặc không đủ khả năng sản xuất (như máy móc thiết bị) hoặc chỉ sản xuất ở mức độ thấp, bị giới hạn. Vì thế, để có phương tiện hỗ trợ sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu.
Những con số nhập khẩu rất lớn về vải các loại, bông, xơ sợi, nguyên phụ liệu trong dệt may, da giày hay trong nhập khẩu hóa chất, chất dẻo, thức ăn gia súc, sắt thép... cũng cho thấy, Việt Nam yếu kém về công nghiệp phụ trợ cho những ngành liên quan.
Việt Nam cũng bị phụ thuộc nước ngoài khi một số lĩnh vực, như xăng dầu, gỗ, sắt thép, dược phẩm, phân bón, giấy..., cũng phải nhập khẩu với giá trị hàng tỉ USD.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam Đơn vị: tỉ USD Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 51 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 38 tỉ USD dù nhiều mặt hàng xuất khẩu như rau quả, hạt điều, sắn... của Việt Nam đã có sự tăng trưởng. Bởi đây là những mặt hàng cho giá trị chỉ trên dưới 1 tỉ USD trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn hơn như dầu thô, thủy sản, gạo... của Việt Nam bị suy giảm. Vì thế, sự mất cân đối và chênh lệch trong cơ cấu xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp Việt Nam vốn đã xảy ra, nay càng nghiêm trọng hơn.
Đáng chú ý, trong năm 2015, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu ôtô. Nếu như năm 2013, Việt Nam chỉ nhập 0,7 tỉ USD ôtô nguyên chiếc các loại thì đến nay, con số này đã là 2,1 tỉ USD. Rõ ràng, các quy định kiểm soát tải trọng trong khi Việt Nam chưa thể sản xuất được dòng xe tải nặng, cùng lộ trình cắt giảm thuế theo hiệp định thương mại đã tác động và làm gia tăng nhập khẩu mặt hàng này.
Không chỉ tăng mạnh trong nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng cho ôtô và các phương tiện, phụ tùng vận tải khác cũng được doanh nghiệp Việt Nam đặt mua với giá trị trên 2 tỉ USD.
Nhập khẩu đón đầu?
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành trong 9 tháng năm 2015 tăng 9,8%. So với sức tăng hàng nhập khẩu 15,6% thì chỉ số sản xuất công nghiệp đã không theo kịp. Chẳng hạn, sản phẩm sắt thép nhập khẩu đã tăng 36% trong khi sản xuất thép cán chỉ tăng 20,1%.
Xét về tiêu thụ, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô tăng 32% so với cùng kỳ, trong khi giá trị nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng hơn 114%. Rõ ràng, nhiều hàng hóa được nhập khẩu cho mục đích dự phòng, đầu tư tích trữ, chứ không chỉ là đưa vào sản xuất, tiêu thụ.
Thực tế, các nhà nhập khẩu có lý do để gia tăng nhập khẩu. Thứ nhất, dưới tác động của khủng hoảng từ Hy Lạp hay sự suy yếu của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, thị trường hàng hóa thế giới 9 tháng qua ở xu thế giảm và dự đoán còn giảm. Trong đó, giảm mạnh và có tác động đến nhiều ngành là giá dầu. Theo Ngân hàng Thế giới, giá dầu đã giảm hơn 45% so với năm 2014 và dự đoán, chỉ số giá chung cho ngành năng lượng trong năm 2015 sẽ giảm 40,5%. Tổ chức này cũng ước tính giá kim loại giảm 5,3%, đồ uống giảm 5,6%, chất béo và dầu giảm 7,1%... trong năm nay.
Thứ hai, biến động tỉ giá cũng có liên quan đến các kế hoạch của nhà nhập khẩu. Tính từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá gần 5% so với USD. Đây là điều ít ai ngờ đến vì trước đó, thông điệp đưa ra là Việt Nam sẽ giữ ổn định tỉ giá trong biên độ 2%. Không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thiếu nguồn ngoại tệ cân đối đã chịu rủi ro từ biến động tỉ giá này. Lo ngại rủi ro tỉ giá, doanh nghiệp nhập khẩu lại càng phải tính toán.
Phụ thuộc Trung Quốc
Trong 69 nước mà Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu, Trung Quốc là quốc gia có lượng hàng hóa vào Việt Nam cao nhất, chiếm gần 29% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc giữ vị trí dẫn đầu với mức cách biệt lớn, vượt xa Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan... về giá trị nhập khẩu vào Việt Nam. Đáng chú ý, Trung Quốc tham gia cung cấp sản phẩm cho tất cả những mặt hàng trong nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất ở Việt Nam, từ máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử đến điện thoại, vải các loại, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày. Ở mặt hàng nào Trung Quốc cũng là nhà cung cấp nhất nhì cho Việt Nam. Ngay Hàn Quốc có lợi thế ở Việt Nam trong cung cấp hàng điện tử, điện thoại, máy móc thiết bị... cũng phải nhường sân cho Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Cụ thể Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành nhà cung cấp điện thoại và linh kiện lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị cung cấp là 5,1 tỉ USD.
Không chỉ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và Malaysia đã tìm cách đẩy mạnh hàng hóa vào Việt Nam. Thái Lan đã vươn lên vị trí xấp xỉ với Mỹ và trở thành nhà cung cấp xăng dầu, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng điện tử gia dụng cho Việt Nam với giá trị hơn nửa tỉ USD. Ngoài ra, Thái Lan cũng là nhà cung cấp lớn cho Việt Nam về chất dẻo nguyên liệu, linh kiện phụ tùng ôtô và ôtô nguyên chiếc.
Ngọc Thủy