Chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng, bao gồm các lệnh trừng phạt và thuế quan, đã tác động mạnh đến các quốc gia thành viên BRICS+. Ảnh: TL.

 
Vũ Hải Trường Thứ Năm | 03/07/2025 07:30

Phép tính gia nhập BRICS+

Lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng trở nên đa cực.

BRICS, khối kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, ngày càng khẳng định vị thế là một lực lượng kinh tế lớn trên thế giới. Tính đến giữa thập niên 2020, nhóm này chiếm khoảng 25% GDP thế giới và 18% thương mại hàng hóa toàn cầu. Những con số này đang tiếp tục tăng. Với dân số chiếm hơn 42% thế giới và các thị trường đang phát triển nhanh, BRICS đại diện cho tiếng nói của Nam Bán cầu, nhằm thúc đẩy trật tự thế giới đa cực và kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu.

BRICS và quan hệ với Mỹ

Chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng, bao gồm các lệnh trừng phạt và thuế quan, đã tác động mạnh đến các quốc gia thành viên BRICS+, từ đó trở thành chất xúc tác thúc đẩy hợp tác nội khối. Nga - quốc gia đang dẫn đầu thế giới về số lượng lệnh trừng phạt - đã chủ động thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống tài chính độc lập trong BRICS+. Những nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của các thành viên, đặc biệt là Trung Quốc, vốn cũng có tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Hệ quả là ngày càng nhiều giao dịch nội khối BRICS được thanh toán bằng đồng tiền bản địa. Cụ thể là Trung Quốc và Brazil đã đạt thỏa thuận lịch sử trong việc sử dụng nhân dân tệ và đồng Real cho thương mại song phương, loại bỏ vai trò trung gian của USD - đồng tiền vẫn đang chiếm ưu thế trong thương mại toàn cầu.

Những nỗ lực phi USD hóa của BRICS bước đầu đã ghi nhận một số tiến triển, song vẫn còn vấp phải một số rào cản cơ bản như việc các đồng tiền trong khối chưa có tính chuyển đổi cao và chưa đạt được độ tin cậy rộng rãi trên thị trường quốc tế. Dẫu vậy, theo thời gian, sự phát triển song song của các hệ thống tài chính như Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), các thỏa thuận tiền tệ song phương và tiền kỹ thuật số... hoàn toàn có thể từng bước làm suy yếu vai trò thống trị của đồng bạc xanh, đặc biệt trong phạm vi ảnh hưởng của BRICS.

Nếu xét tổng thể, BRICS sở hữu nguồn lực và năng lực rất lớn, đủ để đạt được mức độ tự chủ kinh tế cao trên toàn cầu về nông nghiệp, năng lượng và sản xuất. Tuy nhiên, điểm phụ thuộc lớn nhất của BRICS vẫn nằm ở công nghệ tiên tiến, đặc biệt là chip bán dẫn, máy móc cao cấp, hàng không thương mại và công nghệ tài chính.

BRICS đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách này. Trung Quốc, chẳng hạn, đã đầu tư hàng tỉ USD vào các nhà máy chế tạo chip, phát triển hệ thống định vị vệ tinh riêng (Beidou) và tiến xa trong sản xuất máy bay dân dụng (COMAC). Dù vậy, chip bán dẫn thế hệ mới và một số công cụ chính xác vẫn đến từ các nguồn thuộc khối phương Tây.

 

Bên cạnh tiềm năng to lớn, BRICS vẫn đối mặt với không ít thách thức nội tại có thể cản trở tham vọng dài hạn. Một trong những trở ngại cơ bản là thiếu chính sách thống nhất và cơ chế thể chế hóa. Khối này hoạt động chủ yếu theo cơ chế đồng thuận, mang tính diễn đàn thảo luận nhiều hơn là một tổ chức điều phối hành động chung. Rào cản lớn nhất chính là căng thẳng địa chính trị giữa các nước thành viên, đặc biệt là mối quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Mối bất tín này khiến BRICS khó có thể phát triển thành một khối an ninh kiểu NATO và thậm chí các sáng kiến kinh tế cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Sự mở rộng của BRICS và vai trò của Indonesia

Với việc mở rộng, tỉ trọng thương mại hàng hóa toàn cầu của các nước BRICS+ dự kiến tăng đáng kể từ khoảng 20% lên đến 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thương mại trực tiếp, việc mở rộng BRICS còn mang theo những tác động sâu sắc về địa chính trị và chiến lược kinh tế. Khi hoạt động như một khối thống nhất được mở rộng, BRICS+ có khả năng đàm phán mạnh mẽ hơn trong các diễn đàn toàn cầu như G20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), World Bank và Tổ chức Y tế Thế giới (WTO).

Quyết định nộp đơn xin gia nhập BRICS của Indonesia xuất phát từ động cơ địa chính trị và kinh tế. Về mặt địa chính trị, Indonesia coi BRICS là nền tảng chiến lược để khuếch đại tiếng nói của Nam Bán cầu và thúc đẩy một trật tự quốc tế đa cực.

Tư cách thành viên giúp Indonesia có cơ hội tham gia vận động cải cách các thể chế toàn cầu (như tăng quyền đại diện công bằng hơn trong Liên Hiệp Quốc, IMF hay World Bank) từ bên trong một khối liên minh có sức ảnh hưởng lớn. Về mặt kinh tế, Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng ở mức 7-8% GDP mỗi năm, nên đòi hỏi phải mở rộng thương mại và thu hút đầu tư lớn, cũng chính là những lĩnh vực mà BRICS có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và đồng hành.

Việc trở thành thành viên BRICS cũng mở ra cho Indonesia cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ NDB để tài trợ cho các dự án hạ tầng và phát triển. Dòng vốn từ Trung Đông thông qua BRICS là một yếu tố khác quan trọng không kém. Với sự gia nhập của các quốc gia như UAE và khả năng có thêm Ả Rập Saudi, Indonesia có thể đón nhận các khoản đầu tư từ Vùng Vịnh được kết nối thông qua mạng lưới BRICS+.

Đi cùng với lợi ích là những thách thức không nhỏ. Indonesia cần khéo léo duy trì mối quan hệ quan trọng với các nền kinh tế phương Tây. Nếu mối quan hệ với BRICS phát triển theo hướng làm suy giảm quan hệ với phương Tây, Indonesia có thể phải đối mặt với những hệ quả như mất cơ hội tiếp cận thị trường hoặc dòng vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển bị thu hẹp. 

 

Đã đến lúc Việt Nam gia nhập BRICS+? 

Trong bối cảnh trật tự kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ từ đơn cực sang đa cực, câu hỏi đặt ra là “Liệu đây có phải là thời điểm phù hợp để Việt Nam cân nhắc gia nhập BRICS+?”. Việc BRICS không ngừng mở rộng với sự tham gia của các nền kinh tế đang nổi như UAE, Ai Cập và đặc biệt là Indonesia vào đầu năm 2025 cho thấy khối này đang dần trở thành một lực lượng đối trọng đáng kể với các thể chế tài chính và thương mại do phương Tây dẫn dắt.

Từ góc nhìn bản địa, Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng với Indonesia như đều là nền kinh tế đang phát triển, nằm ở vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, có chính sách đối ngoại độc lập và đang tìm kiếm sự cân bằng giữa các siêu cường. BRICS có thể trở thành một kênh hợp tác kinh tế - tài chính giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tiếp cận nguồn vốn từ NDB cũng như tham gia sâu hơn vào quá trình định hình trật tự toàn cầu mới.

Tuy nhiên, bài học từ Indonesia cũng là lời cảnh báo cần thiết. Việc gia nhập BRICS, nếu không được truyền thông và hoạch định rõ ràng, rất dễ bị hiểu nhầm là hành động nghiêng phe trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Việt Nam vốn có mối quan hệ chiến lược sâu rộng với cả Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật, cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố cân bằng chiến lược nếu xem xét gia nhập BRICS+. 

Năng lực nội tại để tận dụng BRICS+ cũng là yếu tố quan trọng. Việt Nam cần đánh giá xem liệu chúng ta đã sẵn sàng về thể chế, tài chính và năng lực sản xuất để trở thành một mắt xích có giá trị trong mạng lưới BRICS hay chưa.

Tóm lại, BRICS mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro địa chính trị phức tạp. Việt Nam cần tiếp cận một cách chủ động, có chiến lược và tỉnh táo, có thể bắt đầu bằng việc tham gia quan sát, thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, trước khi đưa ra quyết định gia nhập chính thức. Bài học từ Indonesia trong những phân tích sơ khởi cho thấy việc tham gia một liên minh đang trỗi dậy như BRICS đòi hỏi không chỉ tính toán lợi ích mà còn cần sự khéo léo trong chiến lược đối ngoại và sự vững chắc trong nội lực kinh tế. Vì vậy, việc theo dõi những diễn biến của Indonesia trong khối này trong thời gian tới là quan trọng để chúng ta có câu trả lời cho riêng mình.

Có thể bạn quan tâm 

Từ số 0 đến gia sản bạc tỉ