Làm ra quy trình tiên tiến khó một, đưa sản phẩm đến nông dân khó gấp 10.

 
Công Sang Thứ Tư | 17/01/2024 07:30

Phép thử với gạo hữu cơ

Dự kiến năm 2026 Neorice sẽ đưa ra thị trường gạo hữu cơ có giá thành tương đương giá gạo truyền thống.

Cái khó nhất của gạo hữu cơ nói riêng và sản phẩm hữu cơ nói chung không nằm ở việc thị trường có chấp nhận hay không mà là ở giá bán có thể cạnh tranh với gạo sản xuất theo cách truyền thống. Trả lời NCĐT, ông Nguyễn Đăng Khoa, sáng lập Neorice, tự tin cho biết: “Giá gạo trung bình hiện từ 25.000 đồng/kg trở lên. Chúng tôi có thể sản xuất gạo hữu cơ chuẩn USDA Organic với giá đó”.

Mục tiêu trong tầm tay

Bên cạnh mức ngang hàng với mặt bằng chung, gạo sản xuất theo quy trình canh tác của Neorice giúp giảm đến 20% phân NPK, 50% lượng giống, 50% lượng phát thải, 80% chi phí phun xịt và 100% thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên cùng một diện tích trồng trọt.

 

Có 2 lý do ông Khoa đưa ra. Thứ nhất, quy trình Neorice được xây dựng trên cơ sở tiến bộ kỹ thuật cấp bộ “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa sử dụng khoáng tự nhiên với công nghệ phun bằng dây bay” được công nhận theo Quyết định số 316/QĐ-TT-VPPN vào ngày 31/8/2023 của Công ty Cổ phần Hóa nông AHA hợp tác với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, chi cục bảo vệ thực vật các tỉnh, phòng nông nghiệp các huyện thị, nghiên cứu triển khai diện rộng trên 2.000 ha.

Thứ 2, Neorice cung cấp toàn bộ các dịch vụ, sản phẩm trong quy trình sản xuất lúa như cung cấp vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp cho đến thu mua. Mỗi công đoạn tham gia, Công ty đều thu được tỉ suất lợi nhuận gộp khá tốt, vì thế có thể chấp nhận lãi thấp để có giá cạnh tranh với sản phẩm truyền thống.

Ví dụ, công đoạn cung cấp vật tư nông nghiệp, phân bón Neorice phát triển theo quy trình trồng của Công ty cần 500 kg/ha, tương đương gần 10 triệu đồng. Tỉ suất lợi nhuận gộp từ 50% (bán sỉ) đến 75% (bán lẻ). Công ty còn có  nguồn thu từ phát hành tín chỉ carbon, một năm có thể đem về 5 triệu đồng/ha, tỉ suất lợi nhuận gộp đạt 80%. “Nếu chỉ tham gia thu mua gạo, nguồn thu chỉ có một và biên lợi nhuận gộp chỉ 3-5%, trong khi vốn lưu động rất lớn sẽ không đủ cơ sở để giảm giá gạo bán ra”, ông Khoa nói.

Nhà đầu tư chính của Neorice hiện nay là Cẩm Châu AgriGroup, nơi ông Khoa giữ vị trí Tổng Giám đốc. Theo kế hoạch năm 2025, sản phẩm của Công ty sẽ phục vụ 10.000 ha đất trồng lúa, năm 2026 khi nhà máy phân bón hình thành, năng suất phục vụ sẽ tăng gấp đôi, đạt 20.000 ha đất trồng lúa. Các công ty như Neorice được xếp vào mô hình cung cấp giải pháp canh tác, sản xuất lúa bền vững. Lộc Trời có mô hình tương tự và cũng là lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực này.

Khi được hỏi về khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thống, ông Khoa cho biết theo kế hoạch, đến năm 2028, Neorice phục vụ được 1% diện tích lúa trồng, tương đương 80.000 ha. “Con số rất nhỏ để các doanh nghiệp truyền thống cảm thấy chúng tôi là một đối thủ”, ông nói.

Hợp lực cùng địa phương 

Ông Khoa sinh năm 1984, tốt nghiệp ngành xây dựng Đại học Kiến trúc TP.HCM nhưng để tiếp quản công việc kinh doanh tại Cẩm Châu AgriGroup, ông học thêm ngành công nghệ hóa học Đại học Cần Thơ. Sau khi tiếp xúc với nông nghiệp, ông nảy sinh cảm tình đặc biệt với đất và bắt đầu tìm kiếm các giải pháp trồng trọt tiên tiến từ năm 2013. “7,1 triệu ha gieo trồng hằng năm, thu 43,1 triệu tấn lúa, hơn 20 triệu tấn gạo, đạt gần 5 tỉ USD xuất khẩu, kết thúc năm 2023 chúng ta đang ở đỉnh vinh quang của bức tranh lúa gạo thế giới. Nhưng liệu có bền vững?”, ông Khoa nói.

Đầu tiên là ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Thế độc tôn của cây lúa bao trùm lấy đồng ruộng Việt Nam, không còn cá, không còn cua..., quanh quẩn là mùi hóa chất. Kế đến là phát thải khí nhà kính. Cây lúa nước là lương thực chính của một nửa thế giới, nhưng chiếm đến gần một nửa tổng lượng phát thải ngành nông nghiệp. Thứ 3 là sự suy thoái đất trồng đáng báo động. So với 10 năm trước, lượng phân NPK hiện tăng gần gấp đôi để đạt cùng năng suất. Chỉ số về vi sinh vật có lợi, chỉ số hữu cơ trong đất, chỉ số pH đất giảm nghiêm trọng. “Thứ 4 là sự túng quẫn của người trồng lúa. Cây lúa đạt tỉ suất lợi nhuận rất cao, lên đến hơn 100% mỗi vụ 4 tháng, nhưng thu nhập của người trồng lúa có 1 ha chỉ hơn 50 triệu đồng/năm, không đủ nuôi bản thân, huống chi là cả gia đình”, ông Khoa nói.

Nói thì dễ, làm mới khó. Để có sản phẩm, kỹ thuật trồng trọt với nguyên liệu mới như hiện nay, 10 năm qua, Cẩm Châu AgriGroup đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng thử nghiệm. Thử, sai và thử lại trên mảnh đất đang trồng trọt của gia đình. Thí nghiệm tốn tiền nhất với thời gian ngắn nhất ông Khoa từng làm là thổi bay 2 tỉ đồng vì làm chết toàn bộ cây mãng cầu đang ra hoa trong 2 tuần. Đó là lần thử tổ hợp thuốc mới dù trước đó hoàn toàn thành công với phạm vi nhỏ hơn, sau này mới biết là do hôm thử nghiệm, trời mưa nhiều làm cây hấp thụ thuốc tốt hơn. “Phải chi thế giới có sẵn công thức thì mình cũng đã mua để được sử dụng chứ nghiên cứu vừa mất thời gian, vừa tốn tiền”, ông Khoa cười nói.

 

Làm ra quy trình tiên tiến khó một, đưa sản phẩm đến nông dân khó gấp 10. Quyền quyết định quy trình canh tác trên cánh đồng không chỉ phụ thuộc vào nông dân, mà còn ở đơn vị cung ứng vật tư, nhân công phun xịt và đơn vị thu mua. Đó là lý do Neorice cần phải xây dựng một hệ sinh thái trọn vẹn trong chuỗi giá trị lúa gạo, từ vật tư, dịch vụ đến thu mua chế biến. Hiện nay, quy trình Neorice đang được ngành nông nghiệp các địa phương áp dụng xây dựng mô hình sản xuất lúa bền vững, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 50% vật tư và toàn bộ chi phí hội thảo, tập huấn, chứng nhận. Dự kiến năm 2024 thực hiện trên 3.000 ha, 20 mô hình ở các huyện thị.

Ông Khoa ước tính trồng lúa theo cách truyền thống, nông dân lãi được 50 triệu đồng/năm/ha, với Neorice họ có thể cải thiện thêm 20% thu nhập vì tiết kiệm chi phí và tăng giá bán. Nếu kết hợp với lúa cá và xen canh bèo hoa dâu để tạo thức ăn tự nhiên, thu nhập có thể lên đến 100 triệu đồng/năm/ha.

Ông Khoa hiện đăng ký Neorice với hình thức doanh nghiệp xã hội, tức 51% sẽ giữ lại để đầu tư vào doanh nghiệp, 49% còn lại chia sẻ cho các nhà đầu tư góp vốn. “Có người cùng đồng hành thì tốt, không thì tôi vẫn làm, sức mình làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng phải làm để cải thiện phần nào hệ thống trồng lúa hiện nay, cần có giải pháp kỹ thuật thực sự đột phá để thay đổi”, ông Khoa nói.