Hơn 5 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch thực sự là những ngày khó khăn chưa từng có. Ảnh: Quý Hoà

 
Lam Hồng Thứ Hai | 23/08/2021 07:30

Phép thử lớn của hệ thống an sinh xã hội

Phép thử khắc nghiệt để tìm ra mô hình an sinh tiên tiến nhằm bảo vệ mọi người dân khi có khủng hoảng.

Hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn người dân chạy dịch khỏi TP.HCM về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khiến cho dịch bệnh trở nên nặng nề và khốc liệt hơn. Họ là những người yếu thế, là công nhân, lao động tự do bị ngừng việc, cạn tiền và sống mòn trong tình cảnh bệnh tật rình rập. Tình thế buộc họ phải rời thành phố, đi những quãng đường hàng ngàn km, bất chấp nhiều rủi ro để về quê nương náu.

Tình hình này khiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM lập tức thành lập Trung tâm an sinh TP.HCM. Theo đó, ít nhất 1 triệu gói an sinh gồm tiền và nhu yếu phẩm sẽ cung cấp cho bà con gồm những công nhân không về quê; hộ gia đình nghèo khó, già yếu, neo đơn; sinh viên đang ở ký túc xá, nhà trọ học hành; người nhiễm bệnh tại bệnh viện, tại nhà và trong các khu cách ly, khu phong tỏa...

Hơn 5 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch thực sự là những ngày khó khăn chưa từng có. Người dân cạn kiệt sức chịu đựng về thể chất và tinh thần bị thử thách. Nhiều người lâm vào khó khăn cùng cực, trường hợp đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố, những người yếu thế trong xã hội.

Không chỉ vậy, nhiều người làm công ăn lương cũng cạn kiệt tiền sinh sống khi bị cắt giảm lương hay thậm chí cắt giảm công việc vì doanh nghiệp phải đóng cửa. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong các năm, kể từ năm 2016. Đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) thừa nhận sức mua thấp hơn thời kỳ trước khi có dịch là một trong những yếu tố giúp CPI tăng thấp. Hay nói cách khác, con số này phản ánh tình trạng người dân cạn tiền, phải chắt chiu mua sắm.

Trong khi đó, hàng hóa có xu hướng tăng càng đánh mạnh vào túi tiền dân nghèo. Bởi vì trong điều kiện sản xuất khó khăn, doanh nghiệp không thể chịu mãi để chi phí gia tăng mà giá sản phẩm không tăng. Khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ chuyển chi phí đầu vào vào giá cả đầu ra.

Tình hình dịch bệnh dự báo kéo dài và phức tạp, kinh tế còn khó khăn, nên nếu không kịp thời có chính sách an sinh thì những cuộc “chạy dịch” khốc liệt của người dân có thể còn tiếp diễn. Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt lao động tự do rất khó tiếp cận. Chẳng hạn, khi triển khai gói 62.000 tỉ đồng năm 2020, chỉ 14.000 tỉ đồng được giải ngân, chưa đạt 25% kế hoạch.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho rằng, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nhất là lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do) và tiểu thương. Tuy nhiên, việc xác nhận để chi ngân sách hỗ trợ cho đúng, trúng lại không dễ, khi hầu hết lao động tự do lại có hộ khẩu thường trú ở vùng nông thôn nhưng họ tới các thành phố lớn kiếm việc làm, không có dữ liệu để xác nhận và chi trợ cấp. “Chính quyền lo thất thoát, chi sai đối tượng, nên để người lao động tự do có được xác nhận thất nghiệp và nhận trợ cấp là không dễ”, Tiến sĩ Lan Hương nhận định.

Hệ thống an sinh của Việt Nam đang chịu thử thách khắc nghiệt trong dịch bệnh nhưng qua đó là phép thử để tìm ra mô hình an sinh tiên tiến nhằm bảo vệ mọi người dân khi có khủng hoảng xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, qua dịp này, ngành lao động nên triển khai hệ thống dữ liệu về lao động phi chính thức, để người lao động dù làm ở bất kể đâu cũng dễ dàng được theo dõi, hỗ trợ khi cần.

Có rất nhiều ví dụ để Việt Nam có thể học hỏi cho mô hình an sinh xã hội trong tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn, tại Thụy Điển, ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ nước này đã nhanh chóng công bố gói biện pháp trị giá hơn 30,94 tỉ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, chính quyền gánh toàn bộ chi phí cho việc nghỉ ốm của nhân viên tại các công ty trong các tháng 4-5/2020, cũng như chi phí hỗ trợ người mất việc tạm thời do dịch bệnh. Trong khi đó, Chính phủ Anh thực hiện chương trình nghỉ phép kéo dài tới tháng 10/2020, chi trả tới 80% tiền lương cho khoảng 10 triệu nhân viên của khu vực tư nhân trong giai đoạn đại dịch.

Ở Trung Quốc, vào cuối tháng 3/2020, nước này đã phân bổ 9,3 tỉ nhân dân tệ (131,58 triệu USD) trợ cấp thất nghiệp cho 2,3 triệu lao động mất việc. Ngoài ra, khoảng 67.000 người ngoại tỉnh thất nghiệp còn nhận được khoản trợ cấp sinh hoạt tạm thời trị giá 410 triệu nhân dân tệ (58 triệu USD) để trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp có thể đăng ký trực tuyến ở 297 thành phố, tạm thời thay thế thủ tục bắt buộc thông thường.

Ứng phó với tình huống chưa từng có tiền lệ cũng đòi hỏi các chính sách chưa từng có trong  tiền lệ. Dù không phải là “trực thăng rải tiền” thì chính sách tốt chính là nhanh chóng an dân và giảm đau kịp thời cho dân trong hoạn nạn.