Những công ty như First Solar đang góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.com

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 13/12/2021 08:00

Phép thử FDI từ Mỹ

Thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Mỹ là phép thử cho các cải cách thể chế và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

First Solar Việt Nam vừa công bố kế hoạch mở rộng đầu tư với tổng giá trị 1 tỉ USD nhằm nâng cấp công nghệ cho nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Ông KJ Ung, Giám đốc First Solar Việt Nam, cho biết, trong dịch bệnh Công ty đã gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động, nhưng Việt Nam đang dần hồi phục với nhiều tiềm năng rất tốt trong tương lai nên Công ty vẫn giữ kế hoạch mở rộng như dự tính.

Những công ty như First Solar đang góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Một khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) vừa công bố cho thấy gần 80% doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung lẫn dài hạn ở Việt Nam. Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Vietnam, cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy số lượng thành viên AmCham tiếp tục tăng. Nhiều công ty bày tỏ mong muốn đầu tư thêm vào Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của ngành sản xuất, vì các công ty mong muốn đa dạng chuỗi cung ứng”.

 

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt - Mỹ đạt 89,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 76,7 tỉ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước); nhập khẩu từ Mỹ 12,9 tỉ USD (tăng 13,2%, chiếm 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu). Mỹ vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt - Mỹ đã tăng gấp 200 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 (thời điểm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao) lên mức 1,5 tỉ USD vào năm 2001 (khi 2 nước ký Hiệp định Thương mại song phương) và đạt 90,8 tỉ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019. Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 8/2021 là thông điệp khẳng định thúc đẩy hơn nữa các chương trình thương mại, đầu tư giữa 2 nước. 

Giáo sư - Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS), nhận định, vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam giai đoạn gần đây đang gia tăng. Đáng chú ý, một số công ty xuyên quốc gia lớn quan tâm và đầu tư vào Việt Nam. “Nếu các công ty này bước vào thị trường Việt Nam sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các công ty của Mỹ và các nước khác đầu tư tại Việt Nam”, ông Lợi cho hay.

Thực tế, ngoài kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa.
Thực tế, ngoài kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa.

Thực tế, ngoài kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Lũy kế đến tháng 10/2021, Mỹ hiện xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.134 dự án và tổng vốn đăng ký 9,72 tỉ USD.

Dòng vốn FDI từ Mỹ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, góp phần tạo dựng cho Việt Nam chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các tập đoàn lớn của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Nike, Amazon và P&G... 

 

Tại Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2021, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham Hà Nội, nhìn nhận Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục và giữ vị thế cạnh tranh lớn trong khu vực. Về lâu dài, để thu hút nhà đầu tư Mỹ, cần thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa chính sách thuế của 2 nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính. Bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đưa ra đề nghị hợp tác trên nhiều lĩnh vực tiềm năng giữa 2 bên như năng lượng, y tế, thương mại số, hàng không, giáo dục, nông nghiệp...

Nhiều năm qua, việc Mỹ vẫn chưa phải là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam là bài toán cần lời giải sớm. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài, để đón dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam, đặc biệt làn sóng dịch chuyển, là vô cùng cạnh tranh, bởi không chỉ Việt Nam, nhiều đối thủ nặng ký khác cũng đang rất sẵn sàng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 là thấp nhất kể cả so với 2 cuộc khủng hoảng năm 1997 và 2008. Khủng hoảng ngoài nguyên nhân dịch bệnh, còn xuất phát từ nguyên nhân kinh tế, năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư từ Việt Nam. 

Vì vậy, việc thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Mỹ là phép thử cho các cải cách thể chế và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thu hút đầu tư chất lượng cao trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng chính sách đặc thù để thu hút vốn FDI, nhất là từ các công ty đa quốc gia với ưu thế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, nghiên cứu và triển khai, khả năng cạnh tranh và thâm nhập thị trường... Thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp cận và thu hút đầu tư từ các tập đoàn Mỹ theo 2 hướng: thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu; tạo điều kiện để các tập đoàn này xây dựng trung tâm R&D, vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam.