Ảnh: Baomoi.com
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi
Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang có những bước tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng 29,5% và 30,1% lần lượt trong các năm 2017 và 2018.
Trái phiếu doanh nghiệp được xem là một trong các kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư trong năm 2018 khi mà thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 1 năm tương đối khó khăn với chỉ số VN-Index giảm hơn 10%. Các vấn đề về thương chiến và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã có các tác động tiêu cực khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Từ trước giờ thị trường cổ phiếu luôn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng đi kèm với đó là rủi ro cao. Đòi hỏi nhà đầu tư tham gia thị trường không chỉ bỏ vốn, mà còn phải bỏ công sức và thời gian ra tìm hiểu và theo dõi thị trường với nhiều cung bậc cảm xúc. Ngược lại, gửi tiết kiệm được xem là kênh đầu tư rất an toàn và nhàn rỗi. Tuy nhiên, lợi nhuận đi kèm cũng thấp tương ứng với mức độ rủi ro thấp với lãi suất quanh 6,5% cho tới 7,5%/ năm. Vì vậy, trái phiếu doanh nghiệp hiện nay được xem như là một kênh đầu tư dung hòa được giữa rủi ro và lợi nhuận, với lợi tức trung bình khoảng 9% đến 11%, cao hơn việc gửi tiết kiệm và rủi ro thấp hơn thị trường cổ phiếu.
Không chỉ dung hòa được rủi ro và lợi nhuận của nhà đầu tư, trái phiếu hiện nay còn được xem như là một kênh huy động vốn hấp dẫn đối với doanh nghiệp do có chi phí thấp hơn các khoản vay kỳ hạn dài hạn tương ứng. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi ngân hàng nhà nước bắt đầu siết chặt room tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho ngành bất động sản.
Điển hình như trong năm vừa qua, ngoài các ngân hàng thì các công ty bất động sản. cũng đã đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ thị trường trái phiếu như các đợt phát hành của Sun Shine Group với quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 4 năm. Vingroup và các công ty con cũng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong năm qua với quy mô khá lớn như Vinpearl phát hành 325 triệu USD, VHM cũng đã phát hành ra 7.000 tỷ đồng và SDI phát hành 2.600 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các đợt phát hành của CII, DXG, NLG…
Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản, mà một số doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng bắt đầu thu hút vốn qua kênh này như các đợt phát hành của PAN group với trị giá 1.135 tỷ đồng hoặc gần đây là đợt phát hành của REE vào đầu năm 2019 với trị giá 2.318 tỷ đồng.
Một thị trường trái phiếu phát triển không chỉ giúp bên mua là nhà đầu tư và bên bán là doanh nghiệp tìm được điểm cân bằng về lợi ích, mà còn giúp san sẻ áp lực nhu cầu vốn tín dụng đối với hệ thống ngân hàng hiện nay. Hiện nay NHNN đang thúc đẩy các ngân hàng hướng đến đạt chuẩn Basel II với thông tư 41 yêu cầu khắt khe hơn về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) có hiệu lực từ 1/1/2020. Việc này đồng nghĩa các ngân hàng đang đứng trước áp lực phải tăng vốn cấp 1 hoặc phải giảm tăng trưởng tín dụng lại trong thời gian tới. Theo thống kê từ ngân hàng nhà nước, 3 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 2,28%, thấp hơn so với mức 3,5% cùng kỳ 2018 và 4,3% cùng kỳ 2017.
Cũng giống như bỏ trứng vào nhiều rổ, khi thị trường trái phiếu phát triển mạnh thì sẽ giúp đa dạng hóa thị trường vốn ở Việt Nam và sẽ giúp phân tán rủi ro tín dụng, giảm bớt rủi ro và sức ép tín dụng lên hệ thống ngân hàng. Qua đó sẽ góp phần giúp chúng ta tránh được rủi ro hệ thống nợ xấu từ các ngân hàng như giai đoạn 2009 – 2012 khi phần lớn thị trường vốn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn khá khiêm tốn về quy mô lẫn thanh khoản so với các nước trong khu vực khi quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm có 1,8% GPD. Nếu nhìn nhận theo góc độ tích cực thì có thể thấy dư địa và tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam là khá lớn.
Để thúc đẩy thị trường trái phiếu hơn nữa thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần phải có những chính sách và giải pháp để giải quyết một số bất cập cản trở đà phát triển hiện nay. Trái phiếu cũng là một loại hình tài sản, và tính thanh khoản là một trong các yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên thực tế thì thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân, và chưa có nhiều thành viên tạo lập thị trường. Điểm thứ hai là hiện Việt Nam chưa có các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vì mức độ tiếp cận thông tin thấp. Nên việc lựa chọn trái phiếu để đầu tư hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan uy tín của tổ chức phát hành và đơn vị phân phối.
(*) Thạc sỹ Tài chính Đại học Northumbria University (Anh), Trưởng phòng Môi giới CTCP Chứng khoán VnDirect.