Phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán
Theo ý kiến của các chuyên gia, Dự thảo lần này đưa ra các mức phạt khá nặng đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán. Theo đó, tại Điều 18 dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền 2 tỷ đồng đối với tổ chức và phạt tiền 1 tỷ đồng đối với cá nhân tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái với quy định của pháp luật trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật.
Trong trường hợp có khoản thu trái pháp luật, phạt tiền từ 1-5 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và phạt tiền từ 0,5 - 2,5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái với quy định của pháp luật, nhưng mức phạt không thấp hơn mức phạt quy định trên.
Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn 24 tháng.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định: Phạt tiền từ 1,5 - 2 tỷ đồng đối với tổ chức và phạt tiền từ 750 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi giao dịch thao túng TTCK.
Đồng thời, Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng đối với tổ chức và phạt tiền từ 400 - 600 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc tạo dựng thông tin sai sự thật, công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định phạt tiền từ 200 - 400 triệu đồng đối với tổ chức và phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi: Chủ sở hữu chứng khoán thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.
Mức phạt trên còn được áp dụng xử phạt các công ty chứng khoán (CTCK) thay đổi thứ tự ưu tiên đối với lệnh đặt của khách hàng; lợi dụng việc tiếp cận với thông tin về lệnh đặt của khách hàng khi chưa được nhập vào hệ thống giao dịch để đặt lệnh cho mình hoặc cá nhân, tổ chức khác trên cơ sở dự kiến thông tin trong lệnh giao dịch của khách hàng có khả năng tác động đáng kể đến giá của chứng khoán nhằm kiếm lợi từ thay đổi của giá chứng khoán.
Đồng thời các công ty quản lý quỹ thông đồng với CTCK thực hiện giao dịch quá mức đối với các chứng khoán trong danh mục đầu tư của một quỹ do công ty quản lý quỹ quản lý để CTCK thu lợi từ phí môi giới cũng bị áp dụng khung xử phạt này.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán; về mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ; chào mua công khai; niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán;…
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), các vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý. Riêng trong năm 2012, theo UBCKNN, cơ quan này đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt gần 11 tỷ đồng (số lượng quyết định xử phạt với số tiền phạt cao nhất từ trước tới nay), đặc biệt lần đầu tiên hành vi bán khống bị xử phạt. Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm, kịp thời và được công bố công khai.
Theo đó, UBCKNN đã tổ chức 07 đoàn thanh tra và 60 đoàn kiểm tra đối với CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ), công ty đại chúng, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán; thao túng giá chứng khoán, chấp hành quy định về giao dịch ký quỹ. Trong đó, trọng điểm như: Kiểm tra đột xuất đối với 01 CTCK, xác định vi phạm nghiêm trọng về sử dụng tiền và chứng khoán của nhà đầu tư, chuyển hồ sơ và cung cấp tài liệu cho cơ quan công an để điều tra, xử lý; Kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với hành vi cho vay chứng khoán để bán khống của 02 CTCK và nhân viên môi giới 01 công ty; Kiểm tra hoạt động giao dịch ký quỹ của 03 CTCK và xử phạt đối với 02 CTCK, yêu cầu các công ty chấn chỉnh các sai phạm; Xử phạt 07 CTQLQ, 01 văn phòng đại diện CTQLQ do chưa thực hiện lưu ký tài sản của khách hàng tại ngân hàng lưu ký, chậm nộp báo cáo hoặc chậm công bố thông tin ...
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm về thao túng giá, giao dich nội bộ. Cụ thể: triển khai 06 đoàn kiểm tra giao dịch đối với các cổ phiếu CVN, HQC, CDC, FLC, GBS, ASM và đã chuyển hồ sơ 04 vụ việc cho cơ quan công an. Đối với vụ việc thao túng giá tại SBS, UBCKNN đã chuẩn bị tài liệu liên quan, chuyển cho cơ quan công an.
Về xử lý vi phạm của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan. UBCKNN đã ban hành 45 quyết định xử phạt vi phạm báo cáo giao dịch cổ phiếu của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của tổ chức niêm yết theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, xử phạt 58 công ty đại chúng, công ty niêm yết do vi phạm các quy định về công bố thông tin và báo cáo, chậm đăng ký công ty đại chúng, chào bán ra công chúng và riêng lẻ không đăng ký theo quy định, phát hành thêm nhưng không báo cáo.
Ngoài ra UBCKNN cũng đã ban hành 05 quyết định xử phạt đối với 05 kiểm toán viên vi phạm Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán do tổ chức phát hành, tổ chức niêm yêt và tổ chức kinh doanh chứng khoán do khi lập báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 đã không ghi hoặc không ghi đầy đủ ý kiến về các sai phạm của doanh nghiệp được kiểm toán. Đặc biệt, các kiểm toán viên này ngoài hình thức xử phạt chính bằng tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ có thời hạn tư cách kiểm toán viên được chấp thuận.
UBCKNN cũng đã chuyển một số vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ như: 04 vụ việc giao dịch thao túng cổ phiếu, 06 vụ việc theo đơn tố cáo và thuộc thẩm quyền cơ quan công an; đã phối hợp cung cấp tài liệu theo đề nghị của cơ quan công an liên quan đến vụ việc đang được điều tra (TAS), chuẩn bị tài liệu liên quan để cung cấp khi có đề nghị chính thức của cơ quan công an...
Nhiều chuyên gia khẳng định, nếu Dự thảo này được thông qua, các hành vi vi phạm trên TTCK sẽ giảm mạnh, qua đó sẽ giúp thị trường phát triển bền vững, ổn định, thực sự trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
(Theo Tạp chí tài chính)