Thứ Ba | 13/10/2015 14:22

Phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ: Liệu nợ công có an toàn

Về cơ bản, phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ Chính phủ trong nước không làm tăng dư nợ Chính phủ.

Vấn đề phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ Chính phủ trong nước được quan tâm nhất khi Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo kinh tế – xã hội và tờ trình công tác phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ Chính phủ trong phiên họp ngày 12/10.

Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com tính đến ngày 11/10 cho thấy, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 92,618 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 1.016 USD; chiếm 46,0% GDP, tăng 9,6% so với năm 2014. Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố gần nhất con số này là 59,6%.

Đề xuất hai giải pháp

Báo cáo cho thấy, dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường huy động vốn cho ngân sách nhà nước nhưng theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) gồm cả trái phiếu nội tệ và ngoại tệ mới đạt 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch và bằng 60,6% so với cùng kỳ năm 2014. Theo ước tính, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, hụt 90.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi TPCP trong 9 tháng đầu năm 2015 là 160.684 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn (thiếu hụt 33.211 tỷ đồng).

Để đảm bảo mục tiêu việc tái cơ cấu nợ Chính phủ, công tác huy động vốn và thanh khoản ngân sách nhà nước, đồng thời phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ nói riêng và thị trường vốn nói chung, Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp như sau:

Thứ nhất, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn theo quy định tại Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, trong điều hành Chính phủ sẽ tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 05 năm trở lên, dự kiến vào khoảng 60%-70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường.

Theo đó, với điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường ổn định và khối lượng huy động qua kênh TPCP phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường thì Chính phủ dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng thời, Chính phủ sẽ huy động vốn thông qua phát hành TPCP tại thị trường quốc tế, nhằm giảm bớt áp lực huy động vốn tại thị trường trong nước và thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường TPCP trong nước thông qua việc phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư, quỹ hưu trí), thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy mạnh cầu đầu tư dài hạn trên thị trường TPCP, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.

Thứ hai, phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ trong năm 2015 – 2016. Dự kiến khối lượng phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ khoảng 3 tỷ USD để tái cơ cấu lại khoản nợ TPCP trong nước trong giai đoạn 2015-2016.

Từ năm 2017, sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam tốt nghiệp IDA (nguồn vốn vay chính thức của Ngân hàng Thế giới). Việc vay này vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ dư nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

Kỳ hạn phát hành là 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.

Đánh giá một số tác động khi thực hiện hai giải pháp này, Chính phủ cho rằng, về cơ bản, không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra là đến năm 2020 tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ.

Giảm đỉnh nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới, góp phần đảm bảo chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép (không quá 25% thu ngân sách nhà nước hàng năm).

Thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp, tạo sức ép để hạ chi phí huy động vốn nước ngoài của Chính phủ trong tương lai, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cũng như của các thành phần kinh tế khác.

Tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế về việc Việt Nam tham gia thị trường một cách thường xuyên, tác động tích cực đến tính thanh khoản của các trái phiếu hiện hành cũng như tạo ra sự hấp dẫn cho các trái phiếu mới để giảm chi phí huy động vốn trong tương lai.

Góp phần giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất trong nước ở mức thấp để hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp không có điều kiện vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu quốc tế có tác động làm tăng cung ngoại tệ sẽ góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cần tính toán kỹ

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần phải có biện pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển ở tầng sơ cấp lẫn thứ cấp để lôi kéo các nhà đầu tư. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh nợ công áp lực lớn như hiện nay thì yêu cầu của Quốc hội khi phát hành trái phiếu cần có thời hạn dài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát hành trái phiếu dài hạn trên 5 năm rất khó khăn, chỉ đạt được được 60% kế hoạch.

Tại phiên thảo luận, kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Ông Hiển cho rằng do nhu cầu đầu tư phát triển, chi cho con người không ngừng tăng nên từ năm 2009 đến nay, toàn bộ vốn đầu tư phát triển đã phải đi vay. Nhắc lại nguyên tắc Luật Ngân sách không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, song ông Hiển thừa nhận đây gần như là cách khả thi nhất khi mà phát hành trái phiếu trong nước từ đầu năm đến nay đang gặp khó, vẫn còn hơn 40% chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cũng cần tính toán kĩ bởi nếu phát hành trái phiếu quốc tế sẽ gây sức ép lên thị trường tài chính trong nước.

“Chính phủ đang đề nghị phát hành trái phiếu quốc tế, tất cả đều dành cho đảo nợ. Nếu Quốc hội bảo không thì Chính phủ phải chấp hành, nhưng khi đó tình hình sẽ hết sức khó khăn” – ông Hiển nói.

Trong bối cảnh huy động nguồn lực từ phát hành TPCP trong nước, vốn vay ODA,… gặp nhiều khó khăn thì việc xem xét, cho ý kiến về chủ trương phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế là cần thiết, góp phần khắc phục tình trạng phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế theo thời cơ, thiếu chiến lược bài bản, dài hạn như đã thực hiện trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật quản lý nợ công trong giai đoạn vừa qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, xác lập hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện trong năm 2016.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp