Thứ Năm | 10/01/2013 16:18

Phát hành trái phiếu địa phương và bài học từ Trung Quốc

Huy động vốn qua phát hành trái phiếu địa phương một mặt tăng thanh khoản mặt khác cũng làm tăng rủi ro nợ xấu.
Nhiều lo ngại khi địa phương ồ ạt phát hành trái phiếu

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương có kỳ hạn 5 năm; mệnh giá của mỗi trái phiếu 100.000 đồng với lãi suất cố định 11%/năm. Hình thức phát hành là bút toán ghi sổ.

Trái phiếu được phát hành để bổ sung nguồn chi cho đầu tư phát triển của địa phương. Nguồn hoàn trả trái phiếu được bảo đảm từ nguồn thu của ngân sách thành phố. Từ nay đến cuối năm 2013, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát hành 3.500 tỷ đồng trái phiếu địa phương.

Đà Nẵng phát hành trái phiếu để phát triển hạ tầng.
Đà Nẵng phát hành trái phiếu để phát triển hạ tầng.

Trước Đà Nẵng, TPHCM và Hà Nội cũng thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trị giá 5.000 tỷ đồng mỗi thành phố. Và mới đây, nhiều địa phương cũng đã xin phép Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính quyền địa phương như Bình Dương, Bắc Ninh và một số địa phương vùng Tây Bắc.

Vậy, việc các tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu có tồn tại rủi ro hay không?

Tiền phong dẫn lời TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết, theo Luật Ngân sách 2002, các địa phương như Hà Nội, TPHCM được phát hành trái phiếu bằng 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương mình, còn các tỉnh khác, như Đà Nẵng, chỉ được phát hành không vượt quá 30%.

Theo ông Tự Anh, bản thân phát hành trái phiếu chính quyền địa phương không có gì đáng lo nếu tiền phát hành đó được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Vấn đề đáng lo là khi các địa phương xé rào phát hành vượt mức trần và Bộ Tài chính không biết, không kiểm soát được và việc địa phương dùng số tiền đó như thế nào, có hoàn vốn được không, công trình có mang lại lợi ích dân sinh không.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, nếu địa phương không trả được các khoản nợ vay này thì sẽ rơi vào tình trạng phá sản như một loạt thành phố lớn của Mỹ đang phải đối đầu.

“Đầu tư công của ta đang khá dàn trải, tình trạng rút ruột công trình vẫn còn nên cần kiểm soát chặt chẽ tài chính của các địa phương. Đặc biệt, không để tình trạng ồ ạt xin phát hành trái phiếu để bù cho nguồn thu giảm, nhằm thanh toán cho khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương. Việc này sẽ không khác gì việc “đảo nợ”, dùng tiền mới trả nợ cũ của các doanh nghiệp thời gian qua, thì rất nguy hiểm”, ông Thành nói.
Bài học từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của Trung Quốc

Do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc không ngừng tăng lên. Tính đến cuối năm 2010, nợ chính quyền địa phương Trung Quốc là 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,7 nghìn tỷ USD), tương đương 27% GDP Trung Quốc, số liệu thống kê chính thức vào tháng 6/2011 của nước này chỉ ra.

Trung Quốc ngừng thí điểm cho phép chính quyền địa phương tự phát hành trái phiếu sau nửa năm.
Trung Quốc ngừng thí điểm cho phép chính quyền địa phương tự phát hành trái phiếu sau nửa năm.

Để mở ra một kênh mới giúp các chính quyền địa phương tăng tính thanh khoản và huy động vốn cho các dự án xây dựng, tháng 11/2011, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thí điểm chương trình phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Chương trình này được áp dụng đầu tiên tại tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông và 2 thành phố lớn là Thượng Hải, Thâm Quyến.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2012, chính phủ Trung Quốc buộc phải hủy chương trình này do rủi ro vỡ nợ ở các công ty đầu tư tại các địa phương ngày càng tăng. Thay vào đó, chính phủ trung ương sẽ tiếp tục bán trái phiếu đại diện cho các chính quyền.

Chương trình thí điểm phát hành trái phiếu địa phương cho phép các chính quyền địa phương giảm chi phí đi vay. Tuy nhiên, chương trình này cũng có thể kéo theo hệ lụy đó là các chính quyền sẽ tăng cường vay nợ, khi đó, bong bóng nợ sẽ ngày một phình to.

Chuyên gia phân tích tại Moody's, ông Ivan Chung, cho rằng: "Hiện giờ, chính phủ Trung Quốc khá lo ngại về tình hình nợ tại các chính quyền địa phương. Họ lo ngại, nếu bật đèn xanh bây giờ, các chính quyền địa phương sẽ không có động lực giải quyết vấn đề nợ bởi họ mặc định rằng chính quyền sẽ được tái cấp vốn".

Chiến lược gia tại SJS Markets (Hong Kong), Rees Kam, nhận định, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã sẵn đối mặt với rủi ro nợ xấu chính quyền địa phương. Họ không muốn tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi chính phủ trung ương mới là người trả nợ cuối cùng.

“Phát hành trái phiếu địa phương không phải là giải pháp cho vấn đề rộng lớn hơn. Chúng ta cần một ngân sách chính phủ minh bạch và một cơ chế giám sát chi tiêu hợp lý", Stephen Green, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Standard Chartered khuyến nghị.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện