Thứ Tư | 17/10/2012 13:00

"Phần lớn mặt hàng công nghiệp chế biến tồn kho trong khoảng an toàn"

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh dự báo cuối năm thị trường xây dựng có khởi sắc thì tỷ lệ tồn kho sắt, thép xây dựng, xi măng sẽ giảm bớt.
Ngày 16/10/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 12 sau một tuần tạm nghỉ, nghe và thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2012 và dự kiến năm 2013 của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết chỉ số tồn kho tính đến ngày 1/9/2012 của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chỉ còn 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành tồn kho tăng cao như ngành nhựa còn 50,6%; sắt- thép- gang 40%, may mặc 39,4%; ô tô 37,8%; thức ăn gia cầm 37%; sản xuất cấu kiện kim loại giảm còn 14,7%; dược liệu 10,7%.

Ở góc độ quản lý trực tiếp lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng “lượng tồn kho không quá lạc quan và cũng không quá thất vọng”.

Theo ông Trần Tuấn Anh, sự suy giảm của thị trường trong nước và quốc tế, khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô sản xuất làm lượng hàng tồn kho tăng. Đến quý III/2012 tình hình phát triển kinh tế nhiều dấu hiệu khả quan hơn.

Ông Trần Tuấn Anh lý giải bằng con số giá trị xuất khẩu đến cuối năm 2012 ước đạt 114 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, mức tăng cao đối với thế giới.

Phần lớn mặt hàng của công nghiệp chế biến như đường sữa, phân bón hóa chất, giấy, dày dép, quần áo, bia, thuốc lá... thì đến tháng 9/2012 có mức tăng tương đương 119% so với các năm trước, nằm trong khoảng an toàn tồn kho kế hoạch.

Ví dụ, dệt may có lượng tồn tương đương 50 ngày sản xuất (gần đây là 60 ngày và những năm trước là 40 ngày sản xuất). Liên quan đến mặt hàng sắt, thép xây dựng chịu áp lực lớn khi thị trường trong nước suy giảm, Bộ Công Thương nhận định “tồn kho chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít so với kế hoạch năm trước”.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết theo dự báo cuối năm thị trường xây dựng có khởi sắc thì tỷ lệ tồn kho sắt, thép xây dựng, xi măng sẽ giảm bớt.

Để giải quyết hàng tồn kho, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh đến ba giải pháp chính, cần làm ngay là đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu, sản phẩm để giảm tồn kho từ nay đến cuối năm, tăng cường giải ngân vốn ODA, các khoản đầu tư xã hội…

Thứ hai là tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, nước ngoài cho doanh nghiệp và thứ ba là giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất khi hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng hoạt động. Lượng hàng tồn kho cao, đặc biệt là lượng tồn kho mặt hàng bất động sản đang ảnh hưởng lớn tới nợ xấu ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN đã có phương án báo cáo Thủ tướng để giải quyết nợ xấu nảy sinh từ tồn kho hàng hóa bất động sản, xây dựng, vốn chiếm 5% tổng dư nợ.

Để khơi mạch cho kinh tế phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tập trung giải quyết ba vấn đề “chân kiềng” là hàng tồn kho, nợ xấu và phát triển thị trường, mà quan trọng là đối với lĩnh vực bất động sản. Bản thân các ngân hàng cũng phải tập trung vào cứu doanh nghiệp, “coi cứu doanh nghiệp như cứu mình”.

Nguồn SBV


Sự kiện