Phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ mảng nghiệp vụ bảo hiểm
Phi nhân thọ: quá nhiều việc cần giải quyết
Theo đánh giá của đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong khối bảo hiệm phi nhân thọ và tái bảo hiểm Việt Nam, mới chỉ có 4/31 doanh nghiệp được xếp hạng theo chuẩn quốc tế. Hệ thống công nghệ thông tin của nhiều doanh nghiệp khối này chưa đáp ứng được yêu cầu, việc quản lý hoạt động của đại lý bảo hiểm còn chưa tốt nên mới tồn tại tình trạng bán dạo bảo hiểm. Hệ thống quản lý giám sát nội bộ của nhiều doanh nghiệp trong khối kém hiệu quả, vì thế, trục lợi bảo hiểm vẫn là vấn đề "nóng".
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thì các doanh nghiệp bảo hiểm cần đi trước trong việc ngăn chặn trục lợi bảo hiểm từ nhân viên, đại lý bảo hiểm. Ngoài ra, một việc quan trọng khác mà các doanh nghiệp khối này cần phải rốt ráo thực hiện là giải quyết vấn đề nợ phí bảo hiểm còn nhiều và đang dây dưa, khó đòi. Việc nợ phí được đánh giá không chỉ do các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, mà còn có nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp bảo hiểm chạy theo doanh thu, quản lý yếu kém…. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp khối này, việc tiếp tục tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp chính là vấn đề trọng tâm.
Lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phi nhân thọ thừa nhận, thời gian qua, việc cạnh tranh phi kỹ thuật đã khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thua lỗ về nghiệp vụ. Năm 2013, chỉ có 10/29 doanh nghiệp bảo hiểm có lãi nghiệp vụ. Chính vì thế, hiện nay một số doanh nghiệp đã thay đổi mục tiêu và kiên quyết đi theo hướng cạnh tranh lành mạnh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy lợi ích khách hàng làm trọng tâm từ khâu thiết kế sản phẩm đến kênh bán hàng, giải quyết bồi thường…
Thực tế, những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh đều khởi nguồn từ bài toán doanh thu, thị phần. Tại Hội nghị CEO bảo hiểm phi nhân thọ thường niên 2014 mới đây, có CEO bảo hiểm đã bày tỏ quan ngại về những rủi ro kinh doanh, rủi ro quản lý điều hành trước sức ép mở rộng doanh thu, thị phần. Để đảm bảo chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, các nhân viên, đại lý có thể cạnh tranh không lành mạnh và khi đó CEO sẽ phải "giơ đầu chịu báng".
Bảo hiểm nhân thọ vẫn đau đầu với trục lợi bảo hiểm
So với khối phi nhân thọ, những vấn đề mà khối nhân thọ phải giải quyết có vẻ nhẹ nhàng hơn. Chương trình hoạt động đến cuối năm 2014 khối này đề ra gồm 9 nội dung, trong đó tập trung vào nội dung góp ý hoàn thiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể là tiếp tục kiến nghị chính sách thuế TNCN đối với đại lý bảo hiểm và loại hình bảo hiểm nhân thọ chủ sử dụng mua cho người lao động; xây dựng và ban hành các quy chế như quy chế xử lý các đại lý vi phạm quy chế hành nghề và vi phạm luật, quy chế xử lý khiếu nại của khách hàng đối với đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm… Hai nhiệm vụ quan trọng khác là triển khai tuyên truyền về bảo hiểm hưu trí thì đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm khối này triển khai hơn 1 năm nay và phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ.
Đối với việc phòng chống trục lợi bảo hiểm, trước đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đã có kiến nghị cần đưa trục lợi bảo hiểm vào tội phạm hình sự và phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về giám định bảo hiểm y tế và phòng chống trục lợi bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến cho Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dân sự.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán