Thứ Hai | 15/10/2012 15:23

Phân khúc giá trị gia tăng nằm ở ngân hàng ngoại?

Thương hiệu mạnh, sự trường vốn, cùng với nhiều gói sản phẩm hấp dẫn, phù hợp… làm nên lợi thế của ngân hàng ngoại.
Việt Nam là một nước có dân số trẻ, mức thu nhập ngày càng tăng, song tỷ lệ người dân sử dụng sản phẩm ngân hàng vẫn còn hạn chế. Do đó Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế đánh giá thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ đầy tiềm năng.

Cũng bởi vậy, hầu hết các ngân hàng lớn nhỏ đều liên tục cho ra đời và làm mới các sản phẩm phục vụ khối dịch vụ bán lẻ như: cho vay cá nhân, ngân hàng điện tử, chuyển tiền, thẻ...

Song, nhiều ý kiến cho rằng, sự thay đổi chiến lược của các ngân hàng “nội” chưa thực sự bài bản nên phân khúc giá trị cao trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ đang nghiêng về phía ngân hàng ngoại.

TS. Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank cho rằng, các ngân hàng ngoại đã không bỏ lỡ cơ hội tận dụng thế mạnh để chiếm lĩnh thị trường này.

Lợi thế của ngân hàng ngoại có thể thấy rõ là thương hiệu mạnh, sự trường vốn, nhất là trong bối cảnh hiện nay lãi suất các nước trên thế giới khá thấp nên phía họ sẵn sàng chuyển vốn rẻ cho các ngân hàng con, chi nhánh ở nước ngoài khi cần thiết. Đặc biệt, vấn đề công nghệ đầu tư bài bản cùng kinh nghiệm hoạt động là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt trong các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng ngoại.

Trong khi đó, ngân hàng trong nước với nền tảng khách hàng sâu rộng, sự am hiểu văn hóa, nhất là mạng lưới rộng khắp các tỉnh, thành... nhưng, trên thực tế vẫn chưa khai thác được các thế mạnh này.

Một vấn đề nữa cản trở sức hấp dẫn của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ là do các sản phẩm này của các ngân hàng nội còn thiếu sự đa dạng, tính sáng tạo. Mà đây là điều quan trọng tạo nên giá trị gia tăng cho dịch vụ ngân hàng.

Một chuyên gia ngân hàng nhận định, các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng nội chủ yếu là “bắt chước”. Trên cơ sở từ dịch vụ của ngân hàng ngoại biến thể thành sản phẩm nội mà chưa có sự “lai tạo” tốt nên có những phiên bản đưa ra chưa chuẩn. Bà Mùi lấy ví dụ, có những sản phẩm dịch vụ không hẳn là tín dụng cũng chẳng phải là đầu tư không có định hướng rõ ràng nên không tạo sức hút với khách hàng.

Một lý do nữa khiến các ngân hàng nội chưa với tới phân khúc tạo giá trị gia tăng cao là do ngân hàng nội chưa bắt kịp những dịch vụ ngân hàng hiện đại dành cho khách hàng, nhất là các khách hàng VIP. TS. Mùi cho rằng, các ngân hàng ngoại rất tinh ý khi đưa ra các sản phẩm phù hợp, đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng như các dịch vụ quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư...

Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho biết, thương hiệu, hệ thống quản trị rủi ro bài bản là những yếu tố tạo nên sự thành công trong phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, một trong những điều quan trọng là vấn đề tạo hình ảnh thương hiệu cũng như tăng cường hệ thống quản trị rủi ro của ngân hàng.

Bên cạnh đó, “sự đa dạng sản phẩm và tính sáng tạo cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ là cách thức hiệu quả để các ngân hàng ngoại giữ chân khách hàng”, ông Hải chia sẻ. Ví như việc thu hút tiền gửi, thay vì cạnh tranh lãi suất các ngân hàng nên đưa ra sản phẩm riêng biệt để vừa tạo hấp dẫn thu hút tiền gửi mà không phải trả lãi suất quá cao.

Muốn phát triển các sản phẩm phi tín dụng, theo TS. Mùi, một trong những vấn đề đặt ra là yếu tố công nghệ. Với nền tảng công nghệ cao, cùng với việc NHTM đặt vào đúng phân khúc có thế mạnh của mình thì chắc chắn các ngân hàng có thể tạo ra giá trị gia tăng từ đây.

Song TS. Mùi lưu ý, trong cung cấp sản phẩm phi tín dụng và đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại thì một trong những vấn đề đặt ra phải tạo niềm tin. Vì hoạt động ngân hàng dựa trên niềm tin. “Nếu thiếu hoặc chưa có niềm tin đúng nghĩa thì hoạt động phân khúc tạo ra giá trị gia tăng cao hơn của các ngân hàng nội sẽ vẫn bị hạn chế”, bà Mùi nhấn mạnh.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện