Phân hóa rõ nét trong hệ thống bán lẻ
Bình luận về vấn đề này, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, việc doanh nghiệp bán lẻ trong nước có chiến lược phát triển ra các vùng ven là vừa đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu của đông đảo người dân và công nhân lao động, vừa giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước có cơ hội mở rộng thị phần.
Còn đối với các nhà bán lẻ ngoại, họ vẫn kiên trì theo đuổi những kế hoạch đã đặt ra khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Tân Tổng giám đốc Big C, ông Laurent Zécri cho biết, khi nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam, ông vẫn tiếp tục tập trung vào những gì mà đơn vị này đã làm, đó là phát triển các đại siêu thị và hành lang thương mại bên cạnh siêu thị.
Dù chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt của các nhà bán lẻ ngoại, song bà Lê Ngọc Đào vẫn tự tin khi cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà bán lẻ nước ngoài. Bằng chứng là, Vinatexmart đã nhanh chóng vươn ra 29 tỉnh, thành phố; Co.opmart đã trở thành đơn vị dẫn đầu ngành bán lẻ Việt Nam, với sự hiện diện tại 33 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Còn ở góc độ nhà bán lẻ, bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc hệ thống Vinatexmart nhận định, nếu không chú ý phát triển nhanh hệ thống bán lẻ trong nước, thì khi Việt Nam hội nhập sâu hơn, các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ trong nước sẽ rất khó có sức cạnh tranh để tồn tại. Đây cũng là lý do để Vinatexmart đặt mục tiêu mở rộng hệ thống lên khoảng 200 cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước trong giai đoạn từ nay tới năm 2015.
Nguồn Báo Đầu tư