Thứ Năm | 26/09/2013 10:15

Phân bón sẽ tiếp tục giảm giá

Vụ Đông xuân 2013 - 2014 ở ĐBSC cận kề nhưng theo nhận định của các doanh nghiệp, giá phân bón cuối năm nay có xu hướng tiếp tục giảm xuống.
Nguyên nhân trước hết khiến cho giá phân bón tiếp tục giảm xuống là do nguồn cung tăng mạnh trên thế giới cũng như ở nước ta. Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Mỹ vừa xây dựng nhà máy urê mới tại Dakota và mở rộng nhà máy sản xuất urê Solagan. Theo đó, tổng công suất 2 nhà máy nói trên đã được nâng lên 1,6 triệu tấn/năm. Nhiều nhà máy urê ở Bắc Phi và Trung Đông đã thay thế một loạt công nghệ mới và mở rộng công suất thêm 1,5 - 2 triệu tấn. Năng lực sản xuất Kali trên toàn thế giới cũng đang tăng mạnh, nhất là tại các nước như Canada, Nga, Belarus, Trung Quốc, Argentina, Jordan, Lào … Theo ước tính của Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), đến 2014-2015, lượng Kali tồn kho trên toàn cầu sẽ vào khoảng 15-18 triệu tấn. Sản lượng phân lân các công ty lớn của SaudiArabia và Mỹ đã ký hợp đồng xây dựng khu liên hợp phân lân lớn nhất thế giới với công suất giai đoạn 1 là 3,8-4 triệu tấn/năm.

Điều đáng chú ý là nhờ áp dụng công nghệ mới, mà giá thành nhiều loại phân bón trên thế giới sẽ giảm xuống. Chẳng hạn, giá urê ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ rẻ hơn từ 70 - 120 USD/tấn so với urê sản xuất bằng công nghệ cũ. Hay hệ thống phát triển công nghệ cao các loại phân NPK, phân hữu cơ trên thế giới cũng đang phát triển mạnh như công nghệ Hitech, Nano, tế bào gốc, tháp cao, enzyme, sinh học, phân tử… Nhờ đó, giá thành sản phẩm các loại phân bón này sẽ giảm, kéo theo các loại phân bón khác giảm giá thành. Mặt khác, do các loại phân bón vô cơ phát triển mạnh và thay đổi cơ cấu phát triển các chủng loại phân bón hữu cơ, NPK chất lượng cao và nhiều chế phẩm khác …, nên giá thành phân bón các loại hầu hết đều dừng lại, không tăng nữa. Do đó, giá phân bón thế giới có xu hướng sẽ giảm dần đến năm 2014 - 2015.

Do giá thế giới giảm mạnh, nên dù lượng phân bón sản xuất trong nước khá dồi dào, nhưng lượng phân bón nhập khẩu lại cũng tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập khẩu 2,9 triệu tấn phân bón các loại, tổng giá trị 1,1 tỷ USD. So với cùng kỳ 2012, lượng phân bón nhập khẩu tăng tới 25,39%, còn giá trị tăng 11,19%. Điều đáng nói là ngoài việc nhập khẩu các loại phân mà nước ta còn chưa sản xuất được hay sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu như SA, Kali, DAP, người ta nhập khẩu một lượng không nhỏ các loại phân mà sản xuất trong nước đã dư thừa như urê (411 ngàn tấn), NPK (362,8 ngàn tấn).

Do giá thế giới đang có xu hướng giảm, nên giá phân bón nhập khẩu về Việt Nam đang giảm khá nhiều. Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty Phân bón Bình Điền, vừa cho biết, giá phân DAP nhập khẩu khi về tới nước ta, trước đây là 13.000 đ/kg, nay giảm còn 10.000 đ/kg, urê nhập khẩu từ 10.000 đ/kg còn 7.000 - 8.000 đ/kg, Kali từ 11.000 đ/kg còn 9.000 đ/kg …

Giá phân nhập khẩu giảm mạnh, cộng với lượng phân nhập khẩu và phân sản xuất trong nước đã khá nhiều, nên dù ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào vụ Đông xuân 2013 - 2014, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn cho rằng giá phân bón trên thị trường nội địa sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay. Hiện tại, do chưa vào vụ, cộng với tâm lý khi giá xuống mỗi ngày, nên giao dịch trên thị trường phân bón nội địa đang khá trầm lắng. Nhìn chung, các đại lý chỉ lấy hàng cầm chừng, vừa đủ để tiêu thụ trong thời gian ngắn, mà chưa lấy nhiều hàng để tích trữ.

Theo dự báo của một số doanh nghiệp, phải tới tháng 10, khi nông dân bắt đầu vào vụ Đông xuân, thị trường phân bón nội địa mới bắt đầu được cải thiện. Nhưng sự cải thiện này chỉ là về lượng phân bón được mua bán. Còn về giá thì khó có thể cải thiện khi áp lực giảm giá từ thị trường quốc tế vẫn còn khá lớn. Điều này, sẽ bớt phần nào nỗi lo cho người nông dân khi mà giá lúa đang giảm xuống do việc xuất khẩu gạo vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nguồn Báo Nông nghiệp VN


Sự kiện