Việc phân bón được đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5% có thể giúp các công ty sản xuất phân bón hưởng lợi. Ảnh: shutterstock.com.

 
Minh Hà Thứ Ba | 30/07/2024 14:00

Phân bón chuyển đổi xanh

2024 sẽ là năm các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất có sự bứt phá về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Mặt hàng phân bón được đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5% (thay vì không chịu thuế như hiện tại). Điều này được giới đầu tư kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới cho triển vọng tăng trưởng của ngành phân bón.

Triển vọng từ thuế VAT 

Nếu áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỉ đồng; nếu áp dụng 0% đối với mặt hàng này thì khoảng 2.000 tỉ đồng, thay vì bổ sung vào ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân. Như vậy, nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên nhiều nước đều thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng khác. Có không ít nước như Mỹ, Thái Lan, Lào, Myanmar... vẫn không thu thuế VAT, thuế bán hàng đối với phân bón.
Giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đưa mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5% để đảm bảo không mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu; đồng thời, khi hoàn thuế sẽ tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, phát triển một cách bền vững.

Theo giới phân tích, việc phân bón được đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5% có thể giúp các công ty sản xuất phân bón hưởng lợi nhờ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào thay vì trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh. Việc áp thuế VAT 5% cũng có thể giúp doanh nghiệp phân bón cạnh tranh tốt hơn với phân bón nhập khẩu tại thị trường trong nước. Hiện tại, doanh nghiệp phân bón Việt Nam không chịu thuế VAT đầu ra nhưng vẫn chịu VAT đầu vào, do đó phải trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến thiếu động lực để giảm giá bán và khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Trong khi đó, 2 quốc gia xuất khẩu phân bón vào Việt Nam lớn nhất là Nga và Trung Quốc hiện đều áp thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, từ đó giúp các doanh nghiệp phân bón tại 2 quốc gia này được hoàn thuế và có thể giảm giá bán trong khi vẫn duy trì tốt lợi nhuận ròng.

Sức ép chuyển đổi xanh

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán MB (MBS), nếu Luật Thuế giá trị gia tăng được áp dụng cho mặt hàng phân bón từ ngày 1/1/2025, thì Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) có thể được hoàn khoảng 430 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào mỗi năm, từ đó hỗ trợ tăng biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Từ khi nhà máy NPK Cà Mau đi vào hoạt động tới nay, sản lượng NPK sản xuất liên tục tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt công suất tối đa, đồng thời sản lượng NPK tiêu thụ chưa cân bằng với sản lượng sản xuất. Với việc thâu tóm Phân bón Hàn - Việt (KVF), vị thế của DCM trên thị trường phân bón NPK trong nước sẽ được củng cố nhờ nâng tổng công suất sản xuất NPK lên 660.000 tấn/năm (so với mức hiện tại 300.000 tấn/năm) và mở rộng thị phần tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

MBS dự báo doanh thu mảng NPK của DCM trong giai đoạn 2024-2025 tăng trưởng lần lượt 87,3% và 11% so với cùng kỳ. Trong đó, DCM đang có lợi thế khi nhà máy đạm Cà Mau đã chính thức hết khấu hao kể từ quý IV/2023 và kỳ vọng tổng chi phí khấu hao năm 2024 sẽ giảm 62,8% so với chi phí khấu hao năm 2023. Bên cạnh đó, giá ure cũng được dự báo tăng nhẹ nhờ nguồn cung phân bón thế giới trong năm 2024 sẽ tiếp tục thắt chặt khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân ure để ổn định thị trường trong nước, đồng thời một số quốc gia tại Trung Đông thực hiện cắt giảm khí tự nhiên cho sản xuất phân ure. Nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu tiêu thụ phân bón thế giới được Hiệp hội Phân bón Quốc tế kỳ vọng tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ sẽ là động lực duy trì giá bán ure của DCM khi doanh nghiệp đang có tỉ trọng doanh thu ure xuất khẩu ngày càng lớn.

Tổng hợp các mảng, MBS dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2024-2025 của DCM tăng trưởng lần lượt 55,6% và 21,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, DCM cũng như ngành sản xuất phân bón chịu áp lực lớn là sản xuất và tiêu dùng phân bón đang mất cân đối; trong khi các sản phẩm ure và phân lân dư thừa, thì nhiều sản phẩm phân bón khác như kali, các loại phân bón vi lượng, phân bón hữu cơ vẫn thiếu hụt, dẫn đến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu.

Mặt khác, DCM và ngành đang phải chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Bởi vì, nông nghiệp là ngành thải khí nhà kính lớn thứ 2 sau ngành năng lượng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc chuyển đổi đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, còn nếu không bắt kịp xu hướng xanh, DCM sẽ gặp khó ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Về dài hạn, theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra lượng phân bón xanh còn vượt quá nhu cầu sử dụng của ngành nông nghiệp Việt Nam là 10,23 triệu tấn.