Thứ Hai | 14/03/2016 07:37

Phải trả lãi suất cao gói 30.000 tỉ đồng?

Kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân gói 30.000 tỉ đồng đến hết tháng 12-2016.

Những ngày gần đây, nhiều người vay tiền mua nhà ở thương mại từ gói 30.000 tỉ đồng như ngồi trên đống lửa trước thông tin từ 1-6-2016 phải trả lãi suất theo thị trường với lãi suất có thể cao hơn gấp hai lần so với mức 5% như hiện nay.

Để giúp người mua nhà không bị thiệt thòi, các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như đề xuất cách tháo gỡ.

Trách người mua nhà là không đúng

Chị Trương Thị Miền, một khách hàng tại quận Tân Bình, TP.HCM ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi trên từ đầu tháng 12-2015, cho biết khi làm thủ tục vay vốn chỉ thấy các công ty địa ốc quảng cáo là lãi suất sẽ ổn định trong vòng 10-15 năm.

“Do vậy, tôi cứ đinh ninh ký hợp đồng mua nhà trước ngày 1-6 năm nay thì hiển nhiên được hưởng lãi suất ưu đãi 5% chứ không biết phải giải ngân trước 1-6-2016 mới được hưởng mức lãi suất này. Nếu biết rõ ngay từ đầu thì tôi đã yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết giao nhà trước thời hạn này rồi” - chị Miền bức xúc.

Không chỉ chị Miền mà rất nhiều khách hàng vay gói 30.000 tỉ đồng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong đó đến nay không ít người mới được ngân hàng giải ngân 1/2, 2/3 tiền đã ký hợp đồng mua nhà. Số tiền còn lại phải trả theo lãi suất thị trường sau thời điểm ngày 1-6 tới vì dự án bị chậm tiến độ, trong khi ngân hàng chỉ giải ngân theo tiến độ dự án.

Chính vì vậy nhiều người ngậm ngùi cho hay có thể đành phải trả lại nhà cho chủ đầu tư, gác lại giấc mơ có nhà nếu phải vay theo lãi suất thị trường vì không có khả năng trả nợ.

Trước bức xúc của khách hàng, một số chủ đầu tư và ngân hàng cho rằng lỗi là do khách hàng đã không chịu đọc kỹ hợp đồng nên khi sự việc xảy ra mới cảm thấy hụt hẫng, hoang mang. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nói rằng việc các ngân hàng, chủ đầu tư trách khách hàng không hiểu biết, có lỗi khi không đọc kỹ hợp đồng là không đúng.

Ông Châu nói: “Ngay trong hợp đồng vay mua nhà ở thương mại gói 30.000 tỉ đồng mà tôi đọc được không có điều khoản nào ghi tới hết 31-5-2016 thì khách hàng không được giải ngân gói 30.000 tỉ đồng nữa. Nếu trong hợp đồng có ghi rõ điều khoản là “đến hết 1-6-2016 những khoản tiền giải ngân sau đó phải chịu mức lãi suất thương mại” thì đã không có sự hiểu lầm, rắc rối như hiện nay”.

Tháo gỡ vướng mắc

Để giải quyết một cách thấu tình đạt lý, qua đó tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở, HoREA vừa tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài gói tín dụng này đến năm 2018 hoặc giải ngân hết gói này, không quy định thời gian kết thúc.

Ngoài ra, HoREA phân tích trước khi ký hợp đồng tín dụng vay gói ưu đãi, người thu nhập thấp đã phải ký hợp đồng mua nhà ở thương mại dưới 1,05 tỉ đồng/căn hộ với chủ đầu tư và đã phải trả trước 20% giá trị hợp đồng. Nếu đến ngày 31-5 năm nay mà người vay chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần và gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng chấm dứt giải ngân thì người thu nhập thấp sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, không biết xoay xở như thế nào để có tiền mua nhà.

Do vậy HoREA đề nghị cho phép những người vay tiền đã ký hợp đồng được tiếp tục giải ngân cho đến hết hợp đồng.

Bên cạnh đó, trước nguy cơ khách hàng phải chịu lãi suất thị trường sau ngày 1-6 tới, một số chủ đầu tư cũng đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân trước thời điểm bàn giao nhà. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Yến Land, đề nghị: “Để đảm bảo cho bên vay được hưởng lãi suất ưu đãi 5%, Nhà nước cần cân nhắc kéo dài thời gian giải ngân thêm sáu tháng nữa (tức đến tháng 12-2016), đồng thời các chủ đầu tư cũng phải nhanh chóng bàn giao nhà để giải ngân cho khách hàng”. Công ty Địa ốc Hoàng Quân thì cam kết với dự án nhà ở thương mại giá rẻ mà khách hàng được vay gói 30.000 tỉ đồng sẽ được giao nhà trước ngày 1-6 tới đây.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, khuyến cáo với những dự án tiến độ giao chậm rơi vào tháng 6 năm nay, khách hàng có thể yêu cầu giải ngân sớm trong tháng 5 để được hưởng chính sách về lãi suất cố định thấp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến “hiến kế” nếu khách hàng mua nhà mới xây xong móng hoặc thanh toán theo tiến độ xây dựng thì tỉ lệ giải ngân sẽ thấp. Do đó khách hàng nên tìm mua những dự án nhà ở thương mại giá rẻ đã cất nóc hoặc xong phần thô. Như vậy khách hàng có thể sẽ vay được số tiền lớn vào thời điểm ký hợp đồng mua nhà, đồng thời cũng sẽ được giải ngân vốn vay nhiều hơn.

Cảm giác bị… sập bẫy

Đại diện một công ty bất động sản tại TP.HCM cho rằng có tình trạng không ít ngân hàng, chủ đầu tư và môi giới nhà đất khi bán nhà mập mờ thông tin, không nói rõ cho khách biết phải trả lãi suất theo thị trường sau 1-6-2016. Chính vì lý do trên khiến người đã ký hợp đồng mua nhà chịu thiệt thòi. Và điều này cũng khiến người mua nhà cảm thấy mình bị… sập bẫy, chỉ ngân hàng và nhà đầu tư hưởng lợi.

“Từ đó có thể họ không thể chấp nhận vay vốn theo thị trường vì không có tài sản để đảm bảo, không có khả năng trả nợ. Kết cục đẩy khách hàng vào tình thế khó khăn, có thể đành phải phá vỡ hợp đồng và bị phạt hợp đồng với ngân hàng, với chủ đầu tư và không có cơ hội mua nhà giá rẻ nữa” - đại diện công ty trên phân tích.

Trước thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết sẽ thực hiện kiểm tra ngay, đồng thời yêu cầu các ngân hàng báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp.

Ảnh hưởng nặng nề

Việc phải trả theo lãi suất thị trường không ảnh hưởng đến những người mua nhà ở xã hội nhưng lại gây ảnh hưởng nặng nề đối với người mua nhà ở thương mại hay vay để sửa chữa, xây nhà. Bởi trong số 17.711 tỉ đồng đã giải ngân thì số tiền cho vay mua nhà ở xã hội chỉ 3.978 tỉ đồng, còn vay mua nhà thương mại đến 8.062 tỉ đồng và vay cải tạo, xây mới 1.731 tỉ đồng.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU,
Chủ tịch HoREA

Nguồn Pháp luật TP.HCM