Thứ Sáu | 10/08/2012 14:24

Phải coi nợ của doanh nghiệp nhà nước là đối tượng quản lý như nợ công

Nếu tính cả hơn 1 triệu tỷ đồng nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, thì nợ công của Việt Nam sẽ vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP).
Phải coi khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là  là đối tượng quản lý nợ công, đó là ý kiến của ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong bài phỏng vấn trên Báo Đầu tư ngày 10/8.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo, nợ của doanh nghiệp nói chung là tự vay tự trả, nên không thống kê vào nợ công, vì không ảnh hưởng tới ngân sách. Ngược lại, cũng có không ít tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo, mặc dù tự vay tự trả, nhưng cuối cùng, ngân sách vẫn phải chịu trách nhiệm với khoản nợ của DNNN, nên phải coi khoản nợ của đối tượng này là nợ công.

Do có những quan điểm trái chiều, nên có nước coi khoản nợ của DNNN là nợ công, có nước không coi khoản nợ đó là nợ công và ngay cả nước coi nợ của DNNN là nợ công, thì cách xác định khoản nợ này cũng rất khác nhau. Chính vậy, việc chúng ta không coi nợ của DNNN là nợ công không phải là ngoại lệ.

Tính đến đầu năm 2012, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, khoảng 1.900 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% và hàng ngàn doanh nghiệp vẫn còn vốn nhà nước ở những mức độ khác nhau. Trong số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có hơn 700 doanh nghiệp do địa phương quản lý. Vì vậy, có nên coi nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước là nợ công hay không là vấn đề hết sức phức tạp, cần phải có tính toán, nghiên cứu cẩn trọng.

Theo quan điểm của tôi, nợ công chỉ tính nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, như quy định của Luật Quản lý nợ công, là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay. Tuy nhiên, dù không thống kê nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước vào số nợ công, nhưng cũng cần coi khoản nợ này như nợ công để đưa vào đối tượng quản lý, giám sát tương tự như đối với nợ công.

DNNN nói chung, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng có tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp hơn 3 lần, trong đó 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hơn 10 lần.

Trong cả một thời gian dài, chúng ta không quản lý chặt việc vay nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước, hậu quả là tình trạng đầu tư tràn lan diễn ra phổ biến. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phải đặt ra hạn cuối cùng là đến cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành.

Vì vậy, phải coi nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước là đối tượng quản lý nợ công, còn việc có thống kê khoản nợ này là nợ công hay không thì cần phải tính toán, cân nhắc. Chính phủ muốn quản lý nợ của doanh nghiệp có vốn nhà nước, thì phải có chế tài để quản lý, giám sát.

Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, cần phải thắt chặt vay nợ của DNNN. Theo Chiến lược Nợ công và Nợ nước ngoài của quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì từ nay đến năm 2015, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu để thiết lập cơ chế đăng ký khoản vay khu vực công, trong đó có nợ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giới hạn theo các tiêu chí an toàn về nợ công được Quốc hội phê chuẩn; thực hiện công khai mức vay để tạo điều kiện cho các đơn vị vay chủ động triển khai dự án sử dụng vốn vay.

Cũng theo Chiến lược này, từ năm 2012 trở đi, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay nợ, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ của DNNN; bảo đảm không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, phá sản do không trả được nợ; tiếp tục khống chế mức vay của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên vốn chủ sở hữu không được quá 3 lần…

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện