Ảnh: TNG

 
Sơn Nguyễn Thứ Hai | 19/10/2020 13:00

Phá thế độc quyền truyền tải điện

Dấu ấn của nhà đầu tư tư nhân trong xây dựng mạng lưới truyền tải điện, thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo.

Một cột mốc mới trên lộ trình tự do hóa ngành năng lượng chính thức được xác lập khi đầu tháng 10 mới đây, nhà đầu tư Trungnam Group khánh thành Dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 12.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận  (dài khoảng 17 km) là một dự án cấp thiết chiến lược phục vụ phát triển hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, khu vực duyên hải miền Trung nói chung và xa hơn là toàn bộ hạ tầng truyền tải điện quốc gia.

Dự án này được xem là dấu mốc lịch sử ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng và nhận được sự đồng thuận đa phương từ Trung ương đến các cấp chính quyền. Dự án còn phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ưu tiên phát triển đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group, cho biết đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, đây là dự án trạm biến áp, đường dây truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng, bởi trước đây hạ tầng truyền tải điện thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước. “Dự kiến năm 2021, chúng tôi sẽ phát thêm 900 MW điện gió và đến năm 2027, đưa vào vận hành gần 10.000 MW điện năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời”, ông nói.

Sự kiện khánh thành trạm biến áp và đường dây 220/500 kV thực tế đã giúp giải quyết tình trạng quá tải về hạ tầng đường truyền vào mạng lưới điện quốc gia cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Tính đến hết ngày 30.6.2019, đã có trên 80 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công, tập trung nhiều nhất ở Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Nhưng việc nhiều dự án điện mặt trời cùng lúc đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn đã khiến mạng lưới phân phối, truyền tải trên địa bàn này bị quá tải. Nhiều dự án không thể phát điện được lên lưới, bị cắt giảm công suất. Ở một số thời điểm, công suất cắt giảm dao động ở mức 30-35%, có dự án phải cắt giảm công suất lên đến 60% nhằm đảm bảo an toàn cho công tác vận hành hệ thống điện.  

Việc thực hiện cắt giảm công suất đã khiến cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí đầu tư, vận hành cũng như phát triển mở rộng dự án. Quyết tâm trở thành “thủ phủ năng lượng tái tạo” của tỉnh Ninh Thuận đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Tình trạng quá tải hệ thống truyền tải điện ở tỉnh Ninh Thuận còn cho thấy sự không đồng bộ trong việc phát triển hạ tầng truyền tải quốc gia, dẫn đến không đồng bộ ở các địa phương và không đảm bảo được tốc độ phát triển của các dự án năng lượng tái tạo. Những khó khăn về thủ tục, giải phóng mặt bằng tại các địa phương làm cho việc triển khai các dự án phát triển lưới điện bị trì trệ mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ nâng cấp hệ thống truyền tải.

Do đó, dự án xây dựng trạm biến áp và truyền tải điện của Trungnam Group được xem là một phép thử cho chính sách thu hút tư nhân vào đề án tự do hóa ngành năng lượng của chính phủ, đồng thời giảm tải áp lực cho chính EVN và tỉnh Ninh Thuận.

Việt Nam đặt mục tiêu sử dụng gấp đôi năng lượng tái tạo và giảm 15% lượng khí thải carbon vào năm 2030, đồng thời có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than ở một quốc gia đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Trong đó, năng lượng mặt trời, gió và các năng lượng thay thế khác sẽ chiếm từ 15-20% nguồn cung cấp điện. Điều này sẽ giúp Việt Nam thực hiện Hiệp định Khí hậu Paris 2015, trong đó cam kết tự cắt giảm 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, thậm chí là 25% nếu nhận thêm viện trợ từ nước ngoài.

Ảnh: TNG
Ảnh: TNG

Bà Laurence Tubiana, Giám đốc Điều hành của Quỹ Khí hậu châu Âu (ECF), Đại diện Đặc biệt cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP21 năm 2015, cho biết trong năm qua, Việt Nam đã bắt đầu ghi dấu ấn như một câu chuyện thành công về năng lượng sạch. 

Mặc dù vẫn còn một số một chặng đường khá xa cần vượt qua, nhưng việc dịch chuyển khỏi nguồn năng lượng than đá và sự gia tăng nhanh chóng của năng lượng tái tạo đã khiến nước này trở thành một trong những nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á và là tấm gương cho các quốc gia khác đang muốn chuyển đổi. “Việt Nam có nhiều điều để đạt được, không chỉ về khí hậu an toàn hơn và không khí sạch hơn, mà còn về việc làm và đầu tư. Trên khắp thế giới, năng lượng tái tạo đang được chứng minh là lựa chọn thông minh hơn, rẻ hơn và thật là hào hứng khi thấy Việt Nam đang bắt đầu nắm bắt cơ hội”, bà Laurence Tubian nói.

Cũng ở mảng năng lượng sạch, một liên doanh giữa Tập đoàn B.Grimm và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam gần đây đã vay được 186 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á để xây dựng và vận hành một nhà máy điện mặt trời 257 MW tại tỉnh Phú Yên. “Giao dịch này sẽ hỗ trợ sự phát triển năng lượng sạch bền vững ở Việt Nam và giúp thúc đẩy thị trường cho vay xanh ở Đông Nam Á”, ông Preeyanart Soontornwata, Chủ tịch B.Grimm Power, nhận định.