HDBank và PGBank chính thức ngừng thỏa thuận sáp nhập sau 2 năm kéo dài. Ảnh: TL

 
Minh Anh Thứ Tư | 07/04/2021 10:16

PGBank "vỡ mộng" với HDBank

Những tưởng HDBank sẽ là chỗ dựa mới cho PGBank, nhưng vừa qua thương vụ này đã được thông báo ngừng thỏa thuận.

Bất ngờ ngừng thương vụ

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) HDBank sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua tờ trình về việc chấm dứt sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào HDBank.

Như vậy, thương vụ này sẽ chấm dứt sau 2 năm triển khai. Lý do được HDBank đưa ra là dù hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua vào tháng 10.2018, nhưng đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa chính thức chấp thuận cho giao dịch sáp nhập giữa hai bên khiến quá trình sáp nhập bị trì hoãn và kéo dài.

Cụ thể, HDBank cho biết hai bên trước đó đã thông qua giao dịch sáp nhập PGBank vào hệ thống của HDBank. HĐQT ngân hàng này sau đó cũng đã triển khai các thủ tục có liên quan để thực hiện sáp nhập, trong đó có các thủ tục xin chấp thuận của NHNN. Đến tháng 9.2018, NHNN đã có chấp thuận về mặt nguyên tắc việc sáp nhập PGBank vào HDBank.

Ảnh:
Đến gần cuối tháng 2.2021, PGBank cũng có đề nghị chấm dứt việc sáp nhập với HDBank. Ảnh: HDBank

Ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM sau đó tiếp tục đệ trình hồ sơ xin chấp thuận chính thức tại NHNN. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa có chấp thuận chính thức việc sáp nhập giữa hai ngân hàng.

Đồng thời, Petrolimex - cổ đông lớn nhất chiếm 40% vốn điều lệ của PGbank - cũng có công văn gửi HDBank thông báo sẽ thoái vốn tại PGBank theo quy định trong trường hợp phương án sáp nhập không được chấp thuận trước ngày 31.8.2020. Đến gần cuối tháng 2.2021, PGBank cũng có đề nghị chấm dứt việc sáp nhập với HDBank.

 

Về phía PGBank, nhà băng này cũng có đề nghị chấm dứt thương vụ sáp nhập với lý do thời gian kéo dài ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngân hàng. Ban lãnh đạo PGBank đã trình cổ đông và được thông qua việc chấm dứt kế hoạch sáp nhập tại phiên họp thường niên diễn ra ngày 30/3 mới đây.

Sự kiện trên cũng chính thức chấm dứt thương vụ thỏa thuận sáp nhập đầu tiên từ năm 2015 đến nay của ngành ngân hàng, kể từ khi những MHB sáp nhập vào BIDV; Southern Bank sáp nhập vào Sacombank; hay Mekong Bank sáp nhập vào Maritime Bank (nay là MSB)…

PGBank chưa có "duyên" với M&A

Từ tình hình thực tế trên và căn cứ chiến lược phát triển HDBank giai đoạn 2021-2025, HĐQT ngân hàng này cho biết sẽ trình đại hội cổ đông thông qua việc chấm dứt sáp nhập PGBank. HĐQT HDBank sẽ triển khai các thủ tục, quyết định nội dung và ký kết các văn bản, xử lý vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình chấm dứt thương vụ sáp nhập với PGBank.

Trước đó, trong tài liệu đại hội cổ đông năm 2021 của PGBank, HĐQT ngân hàng này cũng nêu rõ dù 2 ngân hàng khẩn trương, tích cực tiến hành giao dịch sáp nhập, đàm phán các nội dung liên quan; hồ sơ xin chấp nhận nguyên tắc cũng được Ngân hàng Nhà nước đồng ý vào tháng 10-2018… Nhưng đến nay, giao dịch sáp nhập giữa PGBank vào HDBank vẫn chưa được chính thức chấp nhận. Thời gian sáp nhập kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PGBank. Do vậy, HĐQT sẽ trình đại hội cổ đông thường niên năm 2021 xem xét thông qua việc dừng thương vụ sáp nhập này.

Ảnh:
Đây không phải lần đầu tiên thương vụ sáp nhập của PGBank "đổ bể". Ảnh: TL

Thậm chí, tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), cổ đông đã đặt câu hỏi về khả năng sáp nhập MSB và PGBank. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, khẳng định chắc chắn không có chuyện PGBank sáp nhập MSB.

Đây không phải lần đầu tiên thương vụ sáp nhập của PGBank đổ bể, trước đó, các cổ đông nhà băng này cũng đã trải qua hơn 2 năm đàm phán để ngân hàng sáp nhập vào hệ thống của VietinBank nhưng không thành công.

 

Năm 2021, HDBank dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 7.281 tỉ đồng cả năm, tăng 25% so với năm 2020. Ngân hàng dự tính tổng tài sản đến cuối năm 2021 sẽ đạt 399.300 tỉ đồng, tăng 25%. Trong đó, dư nợ tín dụng ước tăng 26%, đạt 236.700 tỉ và tổng huy động vốn tăng 25%, đạt 359.800 tỉ đồng.

Về phía PGBank, nhà băng này đã được cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 310 tỉ, tăng 46% với giả định tổng thu nhập tương đương năm trước, ở mức 1.148 tỉ đồng, trong khi chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro giảm 90%. Các chỉ tiêu tài chính trong năm nay của PGBank dự kiến là tổng huy động vốn đạt 32.500 tỉ, tăng 13,3%; dư nợ cho vay khách hàng đạt 27.600 tỉ đồng, tăng 7,8% so với năm 2020.

►Petrolimex có thêm 730 tỷ đồng nhờ sáp nhập PGBank và HDBank?