Petrolimex nhập nhèm lỗ, lãi
Bắt buộc phải lãi
Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của tập đoàn đạt 898 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, mức lãi đạt 687 tỷ đồng. Việc công bố lãi là cần thiết vì Petrolimex là Cty đại chúng quy mô lớn. “Việc kinh doanh của Petrolimex bắt buộc phải có lãi. Nếu không có lãi, chắc chắn Petrolimex sẽ không thể tồn tại”, ông Năm nói.
Đáng chú ý, trong số 898 tỷ đồng, lãi từ các mặt hàng xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 388 tỷ đồng (chiếm 43%). Tiếp đến là lợi nhuận từ khối Cty con đạt hơn 302 tỷ đồng (chiếm 34%); 19% lợi nhuận (tương đương hơn 168 tỷ đồng) đến từ hoạt động liên doanh liên kết. Và 4% lợi nhuận còn lại (39,3 tỷ đồng) đến từ kinh doanh, thu nhập khác.
Trả lời về việc lợi nhuận của Petrolimex có phải do tăng giá 4 đợt vừa qua, ông Năm cho rằng, mức lãi sau thuế như công bố là thấp vì chỉ chiếm 4,7% so với tổng vốn tập đoàn phải bỏ ra (hơn 14.500 tỷ đồng). Trong 6 tháng, sản lượng xăng dầu bán ra của tập đoàn đạt 4,1 triệu m3. Chia bình quân, Petrolimex chỉ thu được mức lãi 94 đồng/lít xăng dầu trước thuế. “Bỏ vốn ít nhưng thu được lợi nhuận cao mới đáng nói, còn bỏ tới hơn 14.500 tỷ đồng mà chỉ thu được lợi nhuận 388 tỷ đồng là khiêm tốn”, ông Năm nói.
Về câu hỏi vì sao khi muốn tăng giá, Petrolimex thường hay báo lỗ, còn khi công bố lên sàn lại báo lãi, ông Năm giải thích, Petrolimex phải thực hiện Nghị quyết của Đại hội cổ đông (cả năm, tập đoàn phải lãi 1.980 tỷ đồng và chi cổ tức là 800 đồng). “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện bằng được 100% lợi nhuận như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đạt được hay không, còn phụ thuộc vào việc điều hành của cơ quan quản lý. Nếu duy trì như 6 tháng đầu năm cộng với tiết kiệm chi phí, hoàn toàn có thể đạt được; còn nếu phải thực hiện bình ổn xăng dầu như thời gian qua, có đạt được kế hoạch hay không khó nói trước”, ông Năm nói.
Tiền hậu bất nhất
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi công bố lãi, cổ phiếu của Petrolimex sẽ có lợi trên sàn chứng khoán. Điều cần bàn là khi muốn tăng giá, Petrolimex thường báo lỗ. Mức lỗ này đúng hay sai rất khó nhận biết trong khi cơ quan quản lý chỉ dựa vào báo cáo của Petrolimex để phê duyệt nên càng khiến dư luận thấy kinh doanh xăng dầu không minh bạch. “Vì thiếu minh bạch (cả từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý) nên chưa thể kiểm soát được lỗ lãi của Petrolimex”, bà nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, ở đây có dấu hiệu tiền hậu bất nhất của Petrolimex trong việc công bố lỗ, lãi. Vì khi muốn tăng giá, Petrolimex thông báo lỗ. Nhưng khi muốn có lợi cho cổ phiếu họ lại báo lãi. Rõ ràng có dấu hiệu cho thấy, cơ quan quản lý chưa đủ năng lực để thẩm định chuyện lỗ lãi của Petrolimex. “Có hai khả năng xảy ra. Một là có thể doanh nghiệp và cơ quan quản lý bắt tay với nhau. Hai là cơ quan quản lý bất lực vì năng lực hạn chế”, ông nói.
Theo ông Phong, ở khả năng thứ nhất, hiện chưa có bằng chứng nhưng qua phân tích tăng giá xăng dầu thời gian gần đây sẽ thấy rất rõ. Chỉ cần tăng 100 đồng/lít xăng, Petrolimex đã thu được rất nhiều tiền. “Petrolimex luôn kêu lỗ để tăng giá (bằng chứng là trong thời gian qua đã tăng giá xăng dầu tới 4 lần). Nhưng nay, khi báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Petrolimex lại bảo là lãi và lãi chủ yếu từ kinh doanh xăng dầu. Rõ ràng, ở đây Petrolimex rất không rõ ràng”, ông nói.
Theo ông Phong, doanh nghiệp như thùng không đáy. Không phải cứ lãi là họ không muốn tăng giá mà tăng được càng nhiều càng tốt. Do đó, việc quan trọng nhất là liên bộ Công Thương - Tài chính phải có đủ năng lực để kiểm soát Petrolimex.
Dư luận cho rằng, việc Petrolimex lỗ lãi thế nào, cơ quan kiểm toán cần sớm vào cuộc. Về lâu dài, phải làm sao để Petrolimex và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không viện cớ giá xăng dầu thế giới tăng để đẩy giá xăng dầu trong nước tăng theo, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động đến đời sống người dân.
(Theo Tienphong)