Thứ Sáu | 09/11/2012 09:56

Petrolimex lỗ lớn nhưng vẫn trả lương cao

Năm 2011, Petrolimex lợi nhuận trước thuế âm 1.423 tỷ đồng nhưng lương nhân viên khối văn phòng vẫn đạt gần 21 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện cho thấy tình hình kinh doanh, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại tập đoàn này có nhiều yếu kém. Và cũng tương tự một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn khác, tuy thua lỗ nhưng không ít cán bộ của Petrolimex vẫn có mức lương rất cao.

Petrolimex lỗ trước thuế 2.358 tỷ đồng trong năm 2011

Theo báo cáo kiểm toán (cũng đã được KTNN trả lời đại biểu quốc hội), năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex âm 1.423,46 tỉ đồng (trong đó, khối đơn vị kinh doanh xăng dầu lỗ trước thuế 2.358,77 tỉ đồng, các công ty con lãi 841,29 tỉ đồng). Nếu tính cả các khoản chênh lệch lỗ do định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán tại thời điểm chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần (949 tỉ đồng), thì khoản lỗ là 3.413 tỉ đồng.

Theo KTNN, việc xử lý các tồn tại về tài chính, xử lý trách nhiệm, quyết định bù đắp các tổn thất… thế nào sẽ do ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp, bộ Tài chính và bộ Công thương xem xét, quyết định, nhưng kết quả kinh doanh của Petrolimex đã cho thấy giá trị phần vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này đã giảm đáng kể do kinh doanh xăng dầu thua lỗ và chênh lệch định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán.

Nguyên nhân dẫn đến số thua lỗ khá lớn nói trên, theo KTNN, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao đột biến (riêng nguyên nhân này làm lỗ 1.853 tỉ đồng). Các nguyên nhân khác được nêu ra: giá bán lẻ nhiều giai đoạn thấp hơn giá cơ sở do liên bộ Tài chính, Công thương quy định; chi phí kinh doanh tăng do tiền thuê đất, tiền lương, chi phí vận chuyển tăng… Tuy nhiên, KTNN cũng cho rằng các khoản thua lỗ này còn có những nguyên nhân về quản trị khác.

Tiền lương khối văn phòng trung bình gần 21 triệu đồng/người/tháng

Cũng giống như một số tập đoàn khác như Dầu khí, Điện… Petrolimex đã đầu tư khá lớn vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm với giá trị hơn 1.534 tỉ đồng – tương đương 15,69% vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, mặc dù kinh doanh khó khăn, Petrolimex vẫn có những quy định về chi tiêu, tiền lương không hợp lý. Tại công ty mẹ của tập đoàn, tổng quỹ tiền lương năm 2011 trên 60,36 tỉ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2010.

Tiền lương thực tế bình quân của cán bộ, nhân viên làm việc tại công ty mẹ, mặc dù giảm 1,7% so với năm 2010 nhưng vẫn ở mức khá cao: 20,96 triệu đồng/người/tháng, bằng 1,75 lần so với mức lương khối văn phòng ở các công ty thành viên trực thuộc.

Quản lý chi phí không minh bạch

Dù đánh giá công ty mẹ Petrolimex và các công ty thành viên quản lý chi phí tương đối, đầy đủ, rõ ràng nhưng KTNN cũng cho rằng vẫn còn những tồn tại trong việc hạch toán giá trị tài sản cố định, chi phí đầu tư xây dựng, chi phí sản xuất kinh doanh. Việc chấp hành các quy định về thuế của công ty mẹ – tập đoàn và các công ty được kiểm toán cũng có những tồn tại nhất định: một số đơn vị phân bổ khấu trừ thuế giá trị gia tăng chưa đúng, chưa kê khai đầy đủ thuế thu nhập cá nhân (897 triệu đồng)…

Một số doanh nghiệp trực thuộc Petrolimex như công ty cổ phần Hoá dầu, công ty cổ phần Gas; qua kiểm toán đối chiếu bị yêu cầu nộp lại số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp không được ưu đãi là 65,49 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty cổ phần Hoá dầu trong việc định giá khoản đầu tư thiếu phần giá trị vốn tăng thêm gần 85 tỉ đồng.

Tại công ty mẹ, trong việc cổ phần hoá, bán cổ phần lần đầu ra công chúng, số tiền thu được sau khi tăng vốn nhà nước và thanh toán chi phí cổ phần hoá phải nộp về tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trên 83,22 tỉ đồng nhưng đến ngày 27/10/2011 mới nộp 65 tỉ đồng.

KTNN đã yêu cầu Petrolimex và các đơn vị thành viên xử lý về tài chính nhiều khoản như nộp thuế tăng thêm trên 73 tỉ đồng.

Nguồn SGTT


Sự kiện