Petrolimex lên sàn với quy mô 2,2 tỉ USD
Trong tuần này, Petrolimex sẽ niêm yết gần 1,3 tỉ cổ phiếu PLX trên sàn TP.HCM. Như vậy, sau hơn 6 năm, điều nhà đầu tư mong chờ đã đến. Họ kỳ vọng PLX sẽ tạo đột biến, như từng chứng kiến ở Habeco và Sabeo khi lên sàn.
Lợi thế đặc biệt
Theo số liệu do Công ty Chứng khoán SSI công bố, Petrolimex là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường hiện đạt quy mô vốn hóa 2,2 tỉ USD. Với quy mô này, Petrolimex chỉ thua vài doanh nghiệp trên sàn là Vinamilk, Vietcombank, Vingroup, PV Gas... Trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, từng dự đoán: “Petrolimex niêm yết sẽ thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư”.
So với 29 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PV Oil, Saigon Petro, Mipec, Thalexim.. thì Petrolimex là doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu lâu đời nhất, chiếm khoảng 50% thị phần. Trong bảng xếp hạng thương hiệu hàng đầu châu Á của Nielsen, Petrolimex cũng là 1 trong 3 thương hiệu Việt lớn nhất. Doanh nghiệp này đã thiết lập được mạng lưới phân phối với 5.200 trạm xăng, chiếm 37% tổng trạm xăng cả nước. Các trạm xăng này đều có diện tích lớn, ở khu đông dân và phủ kín khắp các tỉnh thành. So với Saigon Petro, Thalexim chủ yếu ở phía Nam và Mipec chủ yếu hoạt động ở miền Bắc thì Petrolimex vượt trội hơn hẳn. Nhờ đó, sản lượng bán xăng ở mỗi trạm xăng của Petrolimex đều cao hơn so với các đối thủ.
Đặc biệt, trong khi PV Oil chỉ mới vừa bắt tay triển khai kho xăng dầu Nghi Sơn thì Petrolimex đã xây dựng xong hệ thống kho đầu mối có sức chứa lên tới 2,2 triệu m3, lớn nhất cả nước. Kho này của Petrolimex có đường ống dẫn dầu dài 570km và đạt khả năng tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn, lên tới 150.000DWT.
Petrolimex cũng có lợi thế nhờ chỉ mua xăng dầu trong nước ở mức khoảng 35% tổng sản lượng dầu, còn lại là nhập khẩu từ kho ngoại quan Vân Phong và nhập dầu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc.. Khi so sánh giá đầu vào, theo thông tin từ Petrolimex, việc nhập khẩu dầu đôi khi có lợi. Chẳng hạn, năm 2016, nhờ nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc mà Petrolimex tiết kiệm được chi phí. Trong khi đó, PV Oil đang phải bao tiêu xăng dầu ở nhà máy lọc dầu Bình Sơn và sắp tới là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Cũng như các doanh nghiệp cùng ngành, Petrolimex kinh doanh xăng dầu theo những quy định và quản lý riêng từ Nhà nước. Nhưng điểm khác biệt là Petrolimex tìm ra được cách thức giảm rủi ro chênh lệch đầu vào và đầu ra cho xăng dầu. Phương thức mua spot/term được SSI đánh giá là đã giúp Petrolimex giữ được tỉ lệ lợi nhuận cả trong lúc giá dầu biến động.
Bên cạnh đó, với nguồn vốn hỗ trợ từ JX Nippon Oil & Energy - công ty bán lẻ xăng dầu lớn nhất Nhật, hiện đang nắm khoảng 8% vốn điều lệ ở Petrolimex mà Petrolimex đã tiết giảm được gần 70 tỉ đồng chi phí lãi vay trong năm 2016. Nguồn vốn bổ sung từ phát hành cho JX còn góp phần giúp Petrolimex giảm nợ đáng kể, từ tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 0,96% xuống còn 0,42% vào năm 2016. Ngoài ra, JX cũng hỗ trợ tư vấn các kỹ thuật hậu cần, lập kế hoạch chiến lược. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex, sự hiện diện của JX đã và sẽ còn mang lại những lợi ích dài hạn cho Tập đoàn.
Trong buổi trò chuyện với nhà đầu tư, ông Bảo cho biết, 2016 là năm rực rỡ của Petrolimex khi doanh thu đạt hơn 123.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 5.100 tỉ đồng. Tính ra, lợi nhuận ròng của Tập đoàn đã tăng gần 70% so với cùng kỳ dù doanh thu sụt giảm. Theo SSI, ngoài những lý do đã nêu như chi phí giảm, nợ giảm hay tỉ giá hối đoái ổn định, Petrolimex còn hưởng lợi từ các công ty con.
Trừ Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) là sụt giảm kinh doanh do nhu cầu nhựa đường trong nước giảm, còn lại, các công ty con, liên kết khác như Công ty Nhiên liệu bay Petrolimex (PA), Công ty Vận tải thủy Petrolimex (PG Tanker), BP Castrol Petco, Gas Petrolimex (PGC), Bảo hiểm Petrolimex (PGI), Kho ngoại quan Vân Phong (VPT)… đều kinh doanh tốt. Chẳng hạn, năm 2016, lợi nhuận trước thuế của PA tăng 76% so với cùng kỳ. Con số này ở PG Tanker là 32,8%... Tính chung các hoạt động ngoài xăng dầu đang góp khoảng 40% doanh thu cho Petrolimex.
Chiến lược nào ở Petrolimex?
Dù mở rộng hoạt động nhưng kinh doanh xăng dầu vẫn là ngành cốt lõi. Ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định, xăng dầu vẫn sẽ là ngành tập trung đầu tư của Petrolimex trong thời gian tới. Chiến lược của Tập đoàn trong 5 năm tới là tiếp tục mở rộng các trạm xăng, với mục tiêu mở 100-150 trạm/năm, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước. Mạng lưới bán lẻ của Petrolimex sẽ mở rộng khắp cả nước, kể cả sang Lào hay Singapore. Petrolimex không có tham vọng mở rộng thị phần nhưng chủ trương sẽ không để mất thị phần và sẽ đẩy mạnh bán lẻ ở các cửa hàng.
Petrolimex đang tính tới cách thức bán lẻ thêm nhiều sản phẩm khác ngay tại các trạm xăng dầu. Đây được xem là mỏ khai thác mới của Petrolimex. Nhưng Tập đoàn cho biết, việc triển khai hợp tác mở rộng mảng bán lẻ sẽ còn phải suy tính kỹ.
Liên quan đến mối lo ngại về tỉ lệ sở hữu nhà nước quá lớn (hơn 75% vốn điều lệ), ông Bảo cho biết Petrolimex có lộ trình giảm vốn và có khả năng sẽ đưa vốn nhà nước về mức 51% vốn điều lệ. Nhưng trước mắt, tỉ lệ giảm vốn nhà nước trong năm 2017 có thể về mức 65%. Cách thức này cộng với hơn 53 triệu cổ phiếu quỹ ở Petrolimex, nếu cũng được đưa vào giao dịch sẽ giúp cổ phiếu PLX đạt thanh khoản tốt hơn và nhà đầu tư có cơ hội nắm giữ PLX. Tập đoàn cũng cam kết sẽ không chia cổ tức thấp hơn 12% trong 3-5 năm tới.
Trên thực tế, giá PLX đã tăng mạnh kể từ cuối năm ngoái, khi thông tin Petrolimex lên sàn được truyền đi. Hiện giá giao dịch trên sàn OTC của cổ phiếu này ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu. Trong tương lai, diễn biến giá PLX sẽ tùy thuộc vào triển vọng kinh doanh của Petrolimex và khả năng cầm lái của các nhà lãnh đạo. Nói như ông Bùi Ngọc Bảo, trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán là áp lực lớn cho ban quản trị, điều hành của Petrolimex.
Viết Nguyên