PepsiCo và mô hình nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Trong lúc những người nông dân Việt Nam bị cuốn trong dao động của thị trường, không thể dự báo được họ sẽ “trúng giá” hay “mất giá” vào một mùa vụ nào đó, thì có một số nông dân hoàn toàn làm chủ được lợi nhuận của mình. Những nông hộ này thường ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những doanh nghiệp trong nước, như PepsiCo Foods Việt Nam, công ty con thuộc tập đoàn PepsiCo chuyên kinh doanh và sản xuất sản phẩm snack khoai tây Poca. Không những ổn định thu nhập, sự hợp tác với doanh nghiệp như PepsiCo Foods Việt Nam còn giúp cho việc canh tác nông nghiệp của họ theo hướng bền vững hơn.
Giới thiệu khoai tây đến mảnh đất Đơn Dương
Khoai tây là loại cây ôn đới, thích hợp với khí hậu lạnh miền bắc nên 90% khoai tây cả nước được trồng ở đây. Mục tiêu trong vòng 5 năm, đến 2023, diện tích trồng khoai tây cả nước đạt 30.000 ha, cho năng suất bình quân 18-20 tấn mỗi ha, theo Cục Trồng trọt. Trong quá trình phát triển loại cây lương thực này, các vùng đồng bằng sông Hồng và Nghệ An thường được nhắc đến như là những vùng có thổ nhưỡng phù hợp, cho năng suất cao ở mức 22 tấn mỗi ha.
Từ miền trung trở vào, chỉ có vùng Tây Nguyên có khí hậu phù hợp để trồng khoai tây, tuy nhiên không phải tất cả các điều kiện đất đều phù hợp để canh tác khoai tây. Thế nên kết quả mà những người nông dân ở đây đạt được khi thực hiện chương trình liên kết với PepsiCo Foods Việt Nam đặc biệt ấn tượng khi sản lượng trung bình mỗi ha đạt 24,3 tấn, cao hơn 43% so với năng suất trung bình ở miền bắc, đặc biệt có hộ sản lượng lên đến 56 tấn.
Cánh đồng khoai tây của PepsiCo tại Đơn Dương, Lâm Đồng |
Để đạt được thành quả trên, giống và thổ nhưỡng là điều kiện tiên quyết. Bắt đầu từ kế hoạch 10 năm trước, công ty đã liên tục nghiên cứu cải tiến giống khoai tây phù hợp cho sản xuất, cũng như không ngừng thử nghiệm từng khoảnh đất ở Tây Nguyên để tìm ra vùng đất phù hợp. Cuối cùng, vùng Đức Trọng và Đơn Dương ở Lâm Đồng được chọn để phát triển vùng nguyên liệu, dần mở rộng sang Đak Lak. Khoai tây vốn không phải là nông sản truyền thống của những vùng này, nhưng thành công của những hộ hợp tác với Công ty trong những năm qua đã “đẩy giá của những nơi phù hợp trồng khoai tây ở Đơn Dương lên cao”, ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học của PepsiCo Foods chia sẻ.
Khi nông dân ký hợp đồng với PepsiCo Foods, họ được đảm bảo về giá thu mua sao cho đạt mức lợi nhuận từ 50 đến 60% so với chi phí bỏ ra. Không phải là mức lời quá lớn nếu so với những vụ trúng giá của những loại nông sản khác, nhưng đây là sự ổn định mà những người mong thoát khỏi phận nghèo và cảnh nợ nần mong muốn. Điều giúp gần 600 hộ nông dân vững tâm hợp tác với công ty, số hộ tăng gấp 4 lần chỉ sau 7 năm, là việc công ty cùng họ chia sẻ rủi ro trong trường hợp vụ mùa không như kỳ vọng, được những hộ đạt năng suất cao chia sẻ kinh nghiệm canh tác thành công, và nhất là, nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ kỹ sư bám đồng của chính công ty.
Hướng tới chiến lược nông nghiệp bền vững
Chiến lược nông nghiệp bền vững được PepsiCo triển khai trên toàn bộ tập đoàn tại hơn 30 quốc gia từ hai năm nay. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cho công ty, chiến lược này còn mang đến cuộc sống ổn định hơn cho những người nông dân và điều kiện tốt hơn cho cộng đồng có liên quan.
Duy trì (sustain), từ gốc của bền vững (sustainable) được từ điển Oxford định nghĩa là “làm cho tiếp tục trong một thời gian dài hoặc không bị gián đoạn”. Đó cũng là triết lý nông nghiệp bền vững tại PepsiCo, làm sao cho sản lượng được duy trì và tăng trưởng qua các năm, điều kiện kinh tế của người nông dân đảm bảo, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng của nguồn đất và nước.
Ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học của PepsiCo Foods (trái) và ông Nguyễn Đức Huy, CEO của PepsiCo Foods Việt Nam (phải). |
Khó khăn lớn nhất của việc theo đuổi chương trình chính là giáo dục người nông dân, vốn xuất thân từ nền nông nghiệp tiểu nông không quen với việc cam kết về giống và tuân thủ hợp đồng. Những người kỹ sư thực hiện chương trình đã kiên nhẫn ngồi với từng người, vẽ ra bài toán tài chính cho họ từ chi phí vật tư đầu vào là giống, phân bón (được Công ty tạm ứng trước), chi phí phát sinh trong suốt quá trình về nhân công, nước, và thuốc bảo vệ thực vật, để tính ra điểm năng suất hòa vốn, và năng suất họ dự kiến sẽ đạt được nếu tuân thủ quy trình trồng trọt đã được thiết kế riêng cho họ. “Chúng tôi đã củng cố được niềm tin với người nông dân, về một đơn vị sẽ “đến và ở lại”, CEO Nguyễn Đức Huy của PepsiCo Foods nhớ lại, số hộ tham gia tăng cùng việc cải thiện năng suất, sản lượng khoai tây thu hoạch đã tăng từ 800 tấn khi khởi đầu lên gần 10.000 tấn hiện nay.
Không giấu niềm vui khi đạt mục tiêu năng suất trước thời hạn, CEO Nguyễn Đức Huy cùng Giám đốc Nguyễn Phúc Trai tiếp tục đặt ra những đích đến mới cho chặng đường phía trước, đó là năng suất hơn 30,000 tấn mỗi năm, tăng gấp 3 lần lượng cung ứng nội địa so với hiện tại và gấp 5 số hộ tham gia trong 5 năm tới.