Parkson Việt Tower viết tiếp câu chuyện buồn của “đại gia” bán lẻ Malaysia
Đóng cửa hay di dời?
Sau 8 năm hoạt động, Parkson Việt Tower (Đống Đa, Hà Nội) đã chính thức dời địa điểm kinh doanh từ ngày 15/12, đây cũng là trung tâm Parkson cuối cùng đang hoạt động tại Hà Nội.
Thông báo từ Parkson cho biết, hiện nay, khi thị trường ngày càng có nhiều các nhà bán lẻ kinh doanh tại các trung tâm thương mại với mô hình shopping center quy mô lớn đi vào hoạt động, kèm theo những tiện ích hiện đại giữ chân khách hàng nên thị trường càng bị cạnh tranh quyết liệt. Vì thế, Parkson Việt Tower tại Hà Nội không thể tiếp tục hoạt động tại cùng địa điểm.
Cũng theo đại diện Công ty TNHH Parkson Hà Nội, phía Parkson đã thông báo đến các đối tác kinh doanh trước đó 2 tháng về kế hoạch di dời và tất cả các bên đã đạt được thoả thuận.
Đồng thời, phía Ban quản lý toà nhà cũng đã được thông báo về việc di dời trung tâm thương mại vào trước thời điểm cuối năm 2016 này và đã đồng ý với quyết định của Parkson Hà Nội.
Như vậy, mặc dù thừa nhận mô hình hoạt động thời gian vừa qua của Parkson Việt Tower đang chịu sức ép lớn khi thị trường ngày càng có nhiều các nhà bán lẻ kinh doanh tại các trung tâm thương mại với mô hình shopping center quy mô lớn đi vào hoạt động và cho biết “không thể tiếp tục hoạt động tại cùng địa điểm”, Parkson chưa tiết lộ kế hoạch tiếp theo của Parkson tại Hà Nội.
Trước đó, ngày 16/5, Parkson Paragon tại Quận 7, TP.HCM thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng đã chính thức đóng cửa sau 5 năm hoạt động. Năm 2011, Parkson chính thức trở thành nhà quản lý trung tâm thương mại Saigon Paragon trong thời hạn 19 năm từ đó đổi tên khu thương mại này thành Parkson Paragon tuy nhiên chỉ sau 5 năm vận hành khu mua sắm với quy mô 19.000m2 đã dời đi trước thời hạn 14 năm.
Tại Hà Nội, đầu năm 2015, ngay trong mùa mua sắm tăng cao Parkson Landmark tại toà nhà Keangnam cũng đã “vội vàng” đóng cửa, ngưng hoạt động gây bức xúc cho khách thuê. Lý do được đưa ra là do kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.
Như vậy, sau khi chính thức đóng cửa 2 trung tâm Parkson Keangnam, Parkson Paragon và việc di dời Parkson Việt Tower chưa đưa thông tin về địa điểm mới, các trung tâm còn lại của Parkson tại Việt Nam sẽ bao gồm 5 trung tâm tại Sài Gòn là Parkson Saigontourist, Parkson Hùng Vương Plaza, Parkson C.T Plaza, Parkson Cantavil Premier, Parkson The Flemington; Đà Nẵng có Parkson Vĩnh Trung Plaza và Hải Phòng có Parkson TD Plaza.
"Cái chết" đã được báo trước
Cho đến thời điểm này, dù nhiều gian hàng tại Parkson Việt Tower đã “mạnh tay” giảm giá tới 50% nhưng lượng mua tăng không đáng kể. Và thực tế này đã diễn ra trong khoảng thời gian dài Parkson hoạt động tại đây.
Các chương trình khuyến mại tại Parkson diễn ra khá thường xuyên với mức giảm phổ biến từ 20-30% tại hầu hết các gian hàng, thậm chí nhiều gian hàng giảm giá tới 50-70% đối với nhiều mặt hàng, nhưng vẫn trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ.
Mô hình kinh doanh của Parkson tại Việt Nam cũng như tại một số quốc gia châu Á là một dạng của department store - siêu thị bán lẻ hàng hiệu là một hình thức siêu thị cao cấp phân lô và vận hành theo thương hiệu.
Cách tổ chức theo mô hình này khác hẳn siêu thị vì chia không gian thành các quầy hàng mỗi quầy bán một thương hiệu riêng biệt, đa phần là hàng cao cấp, nhãn hiệu nổi tiếng, có nhân viên phụ trách quầy hàng. Mô hình này phục vụ nhu cầu mua sắm cao cấp, thời trang, mỹ phẩm, nữ trang, quà tặng…
Từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam đến nay Parkson vẫn “chung thuỷ” với mô hình này. Thời gian đầu Parkson đã khá thành công, đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu của một số nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, Parkson phải đối mặt với khó khăn ngày càng nhiều. Chính đại diện Parkson thừa nhận sự cạnh tranh quyết liệt đến từ mô hình shopping center hay shopping mall quy mô lớn, tạm gọi là các trung tâm mua sắm đáp ứng các nhu cầu, tiện ích cho khách hàng từ mua sắm với siêu thị tổng hợp cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim…
Parkson cũng từng thừa nhận việc kinh doanh của họ ở Việt Nam sa sút trong những năm gần đây. Thông tin trên tờ Thesaigontimes, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán trong quý III kết thúc vào 31/3/2016 của Parkson Retail Asia Limited (năm tài chính của Parkson kết thúc vào tháng 6 hàng năm), nhà bán lẻ này tiếp tục chứng kiến một quý kinh doanh không hiệu quả ở Việt Nam, sụt giảm 8,2%; và tổng cộng chín tháng của năm tài chính 2016, các trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (tương đương gần 80 tỷ đồng).
Nguồn Diễn đàn đầu tư