Thứ Ba | 20/10/2015 12:30

PAN "đổi nghề": Tăng trưởng ngoạn mục!

Trong 6 tháng đầu năm 2015, PAN đạt doanh thu 1.100 tỉ đồng, gần bằng cả năm 2014, nhờ vào các khoản đầu tư vao thủy sản và nông nghiệp.

Tập đoàn PAN đã quyết định chia tay với mảng quét dọn vệ sinh - lĩnh vực chủ lực nuôi sống PAN gần 20 năm qua - để dồn lực vào ngành mới: nông nghiệp, thực phẩm. Quyết định này được đưa ra vào ngày 1.10, đánh dấu bằng sự kiện PAN bán toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con (PAN nắm 100% vốn) là Công ty Xuyên Thái Bình và Công ty Liên Thái Bình cho đối tác Nhật Nihon Housing Company Limited.

Từ bỏ dịch vụ vệ sinh

Dịch vụ vệ sinh là hoạt động cốt lõi của PAN kể từ khi mới thành lập vào năm 1998. Không lâu sau khi thâm nhập thị trường, PAN đã đạt tăng trưởng doanh thu trung bình 45%/năm suốt giai đoạn 2002-2005, theo báo cáo thường niên của công ty này. Đặc biệt, khi PAN niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, doanh thu đã tăng gần 10 lần so với năm trước.

Từ năm 2007 trở đi, doanh thu của PAN đã vượt mốc 100 tỉ đồng và gia tăng mỗi năm. Tuy nhiên, đà tăng mảng dịch vụ vệ sinh càng về sau càng chững lại dù  PAN đã mở rộng sang nhiều hoạt động khác có liên quan như mua bán máy móc thiết bị vệ sinh, bảo dưỡng tòa nhà, dịch vụ hậu cần... Cụ thể, mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ vệ sinh trung bình giai đoạn 2009-2014 chỉ còn 14,9%/năm.

PAN
Tình hình kinh doanh mảng dịch vụ vệ sinh của PAN

Cho đến thời điểm hiện tại, PAN vẫn dẫn đầu ngành vệ sinh công nghiệp, chiếm 40% thị trường, cung cấp dịch vụ cho các tòa nhà văn phòng, bệnh viện, phòng khám và trung tâm mua sắm. PAN có những lợi thế mà ít đơn vị đạt được: thiết lập quan hệ mật thiết với các chuyên gia Nilfisk (nhà sản xuất thiết bị vệ sinh công nghiệp quy mô lớn nhất Đan Mạch), các công ty hóa chất (3M, Diversey Lever, NCL, Goodmaids), bắt tay cùng đối tác ISS (nhà thầu chuyên cung cấp các dịch vụ vệ sinh công nghiệp trọn gói lớn trên thế giới)...

PAN cũng là doanh nghiệp có phạm vi hoạt động rộng khắp 20 tỉnh thành, với hơn 5.000 nhân viên. Đặc biệt, danh sách khách hàng thường xuyên của PAN đạt gần 700. Trong đó, không ít khách hàng tên tuổi như HP, Intel, P&G...

Tuy nhiên, dịch vụ vệ sinh công nghiệp là ngành cạnh tranh khốc liệt. Chỉ riêng tại TP.HCM đã có hơn 600 công ty cung cấp dịch vụ này. Khó khăn của ngành còn là làm sao đưa ra mức giá dịch vụ thấp nhất, đủ sức cạnh tranh trong khi lại phải trả lương nhân công không quá thấp để họ gắn bó với doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, các công ty phải chấp nhận bù lỗ để duy trì nhân sự ổn định.

Vì thế, dù doanh thu tăng trưởng nhưng nhiều năm nay, lợi nhuận mảng dịch vụ vệ sinh của PAN chỉ loay hoay trong mức 20-30 tỉ đồng và không thể đạt tới tỉ suất lợi nhuận 10% doanh thu. Đến năm 2014, theo báo cáo thường niên của PAN, mảng dịch vụ vệ sinh chỉ còn đóng góp 30% tổng doanh thu và 20% tổng lợi nhuận, thấp hơn các mảng mới mà PAN đang dấn bước là thủy sản và nông nghiệp.

Dồn lực vào nông nghiệp, thực phẩm

Từ năm 2012, PAN tấn công sang lĩnh vực nông nghiệp bằng việc mua và nắm giữ 20% cổ phần tại Công ty Thủy sản An Giang (Agifish). Đến đầu năm 2013, Hội đồng Quản trị của PAN đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt: chuyển đổi PAN từ công ty chuyên cung cấp dịch vụ quét dọn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng.

Lý do chuyển đổi là vì Công ty nhận thấy Việt Nam đang thiếu thực phẩm chất lượng, an toàn, rõ nguồn gốc. Và PAN muốn dấn thân vào thực hiện chuỗi giá trị khép kín trong nông nghiệp và thực phẩm, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng theo mô hình Farm-Food-Family.

Để làm được điều này, PAN chọn giải pháp thâm nhập và mở rộng vào nông nghiệp thông qua mua bán - sáp nhập (M&A). Thực tế, công tác dọn đường cho PAN đã được triển khai từ sớm, với những hoạt động gom mua cổ phiếu nông nghiệp từ Công ty Chứng khoán SSI, nơi ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN cũng đồng thời là Chủ tịch SSI. Nhờ đó, hoạt động M&A của PAN diễn ra thuận lợi và mau chóng.

Trong giai đoạn 2013-2014, PAN đã cơ bản hoàn tất các hoạt động đầu tư nền tảng cho kinh doanh ngành nghề mới. Ngoại trừ khoản rót vốn tại Bibica, tính đến nay, bằng trực tiếp và cả gián tiếp, PAN đã nắm giữ cổ phần chi phối ở nhiều công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm như Thủy sản Bến Tre, Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed), Công ty Giống cây trồng miền Nam (Southern Seed), Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco).

Đây đều là những công ty có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực mà họ tham gia. Vinaseed, chẳng hạn, hiện cung cấp ra thị trường gần 3 vạn tấn hạt giống, chiếm 15% thị trường giống lúa, 10% thị trường hạt ngô, 5% thị trường hạt rau trên toàn quốc. Hay Thủy sản Bến Tre là 1 trong 2 công ty đứng đầu về xuất khẩu nghêu và nằm trong nhóm các công ty lớn về xuất khẩu cá tra.

Việc có trong tay các công ty vững mạnh trong ngành nông nghiệp, thực phẩm đã giúp PAN tạo dựng được các nền tảng thực phẩm lớn, đa dạng, từ sản xuất lúa gạo, hạt điều đến cá tra, nghêu... PAN đã không ngần ngại rót gần 1.500 tỉ đồng cho các hoạt động M&A này.

Nguồn vốn đầu tư được PAN huy động từ 3 đợt chào bán cổ phiếu. Từ năm 2013 đến đầu năm 2015, nhà đầu tư đã rót tổng cộng 76 triệu USD, giúp PAN thực hiện các kế hoạch đề ra. Ngoài các cá nhân, đơn vị trong nước, rót vốn vào PAN còn có các tổ chức danh tiếng như  The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL) Partners, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC)...

Sắp tới, PAN sẽ đẩy mạnh sang giai đoạn tiếp theo là xây dựng hệ thống phân phối. Để chuẩn bị cho bước đi này, mới đây PAN đã đổi tên công ty, từ Công ty Xuyên Thái Bình thành Tập đoàn PAN, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, lập thêm công ty chuyên về bán lẻ và như đã đề cập, rút hẳn khỏi mảng dịch vụ để chuyên tâm vào nông nghiệp, thực phẩm.

Ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm là thị trường màu mỡ, nhưng cũng cạnh tranh rất khốc liệt. Hệ thống phân phối mạnh hay yếu sẽ đóng vai trò then chốt trong việc sản phẩm của PAN có tới được bàn ăn của người tiêu dùng hay không.

Nhưng trước mắt, kể từ sau chuyển đổi sang ngành nghề mới, kết quả kinh doanh của PAN đã có những thay đổi ngoạn mục, với tăng trưởng doanh thu các năm 2013, 2014 ở mức gấp đôi. Trong đó, thủy sản, nông nghiệp vượt qua dịch vụ vệ sinh trở thành mảng đóng góp chính, chiếm đến 70% tổng doanh thu của PAN (2014). Trong 6 tháng đầu năm 2015, PAN tiếp tục đạt doanh thu 1.100 tỉ đồng, gần bằng cả năm 2014.

PAN đang đặt những mục tiêu lớn trong dài hạn như đến năm 2030, đạt quy mô vốn hóa 1 tỉ USD, lãi sau thuế 60-70 triệu USD... Dù còn chờ thời gian kiểm chứng, nhưng nhà đầu tư đã có sự đánh giá khác hẳn dành cho PAN, thể hiện qua giá cổ phiếu PAN tăng mạnh từ 10.000-20.000 đồng/cổ phiếu những năm 2011-2012 lên 35.000-45.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Viết Nguyên