PAN có gì hấp dẫn các nhà đầu tư?
Vì sao SSI nhanh chóng mua vào cổ phần của PAN?
Nếu giao dịch mua 2,7 triệu cổ phiếu của PAN thành công, Chứng khoán SSI tăng tỷ lệ sở hữu lên 19,66% vốn điều lệ của Tập đoàn này. Thời gian giao dịch dự kiến trong tháng 10, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Sau giao dịch, chứng khoán SSI tăng tỷ lệ sở hữu từ 17,66% lên 19,66% vốn điều lệ của Tập đoàn PAN. Ông Nguyễn Duy Hưng, người hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả Chứng khoán SSI và Tập đoàn PAN đếu có mối quan hệ đến giao dịch này.
Với mức giá đang giao động từ khoảng 54.000 – 60.000 đồng/cổ phiếu, chứng khoán SSI dự kiến chi khoảng 155 tỉ đồng cho đợt mua cổ phiếu này.
Chứng khoán SSI là cổ đông trong nước lớn nhất sở hữu cổ phần của Tập đoàn PAN. Công ty TNHH Đầu tư NDH do ông Hưng làm giám đốc cũng đang sở hữu 12,7 triệu cổ phiếu PAN, tương đương 9,5% vốn điều lệ.
PAN hiện đang được 1 số tổ chức nước ngoài khác đang nắm giữ như Tael Two Partners Ltd., Mutural Fund Elite, GIC/Goverment of Singapore, International Finance Corporation (World Bank)...
Đối tác mới nhất của PAN là Sojitz, thông qua mua riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 61.000 đồng/cổ phiếu. Công ty này trở thành cổ đông lớn nắm tối đa 10% vốn điều lệ và là đối tác chiến lược với The PAN Group.
PAN Group được thành lập năm 1998 với vốn điều lệ là 250 triệu đồng. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.546 tỉ đồng tăng 136% so với cùng kỳ, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của tập đoàn này đạt 205 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ 2017.
PAN kỳ vọng gì ở Sojitz và SSI?
Việc phát hành riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp The PAN Group có thêm cổ đông chiến lược để phát triển, đồng thời cũng có thêm nguồn lực để đầu tư, góp vốn tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên, thực hiện các dự án M&A trong lĩnh vực nông nghiệp, nguyên liệu và thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm đóng gói, đồ uống…
Thông qua Sojitz, PAN muốn mở rộng thị trường nước ngoài. Thực tế, hiện đã có nhiều sản phẩm của PAN xuất khẩu ra ngước ngoài.
Chứng khoán SSI sẽ chi 155 tỉ đồng để gom 2,7 triệu cổ phiếu Tập đoàn PAN. Có thể, với thương vụ mua thêm cổ phiếu của SSI lần này, PAN muốn giữ vững vị thế của SSI tại công ty này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PAN có giai đoạn tăng sốc hồi quý 1.2018 qua đó lập đỉnh 72.600 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 6.4. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu PAN giao dịch không mấy sôi động và điều chỉnh về lình xình quanh mức 60.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại, ghi nhận mức tăng 51% so với hồi đầu năm.
Số tiền thu về từ đợt phát hành riêng lẻ lần này giúp PAN có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư và tiếp tục thực hiện các dự án M&A trong chiến lược phát triển gắn với nông nghiệp và thực phẩm.
Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng hơn trong lần phát hành này PAN đã lựa chọn Sojitz làm đối tác chiến lược, hợp tác hai bên cùng có lợi dựa trên nền tảng nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam để phân phối thị trường trong và ngoài nước. Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tổng tài sản của The PAN Group tính đến hết 30.6 đã vượt 7.600 tỉ đồng.