Ôtô vào mùa tín dụng
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng nhanh và đây là nhóm không ngại mở hầu bao chi tiêu vào nhiều thứ, trong đó có ôtô. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), lượng xe ôtô du lịch bán ra năm 2015 đã tăng gần 43.000 chiếc, tăng 43% so với năm trước đó, còn trong 6 tháng đầu năm nay, tăng gần 24% so với cùng kỳ.
Việc sở hữu một chiếc xe để chạy chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ, nhờ sự góp sức đáng kể từ phía các ngân hàng. Tại Sacombank, năm ngoái, dư nợ cho vay mua ôtô đạt khoảng 2.190 tỉ đồng, tăng 72% so với năm 2014 và 247% so với năm 2013. Một ngân hàng triển khai khá rầm rộ chương trình cho vay mua ôtô cũng cho biết, tỉ trọng cho vay danh mục sản phẩm này ước vào khoảng 25% trong rổ tín dụng cá nhân.
Lượng xe bán ra tăng nhanh trong thời gian qua cũng có chất xúc tác từ hai hãng công nghệ Uber và Grab. Bắt đầu gia nhập từ cuối năm 2014, Uber và Grab dần trở nên phổ biến với người dân vì tính tiện lợi, giá thấp hơn mặt bằng chung bấy giờ và hơn hết là mang những đặc điểm của “nền kinh tế chia sẻ”, bất kỳ ai cũng có thể tham gia trở thành đối tác của Uber và Grab.
Với giới tài xế chưa có xe, chuyện vay tiền ngân hàng mua xe để chạy thì sẽ có lời hơn. Trong khi đó, nhà đầu tư lại nhìn thấy tiềm năng từ việc tận dụng dòng tiền từ ngân hàng để mua xe, sau đó tìm tài xế để lái. Kết quả là thị trường tăng trưởng nhanh chóng.
Sự sống còn của Uber lẫn Grab phụ thuộc vào số lượng lái xe hợp tác với mình, giống như các hãng taxi truyền thống muốn chiếm thị phần thì phải “áp đảo” về số lượng đầu xe. Chính vì vậy, hai hãng này đua nhau “trợ giá” cho người chạy xe kể từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam.
Các ngân hàng đang nhận thấy miếng bánh lớn trong việc cho vay mua ôtô. Ảnh: Sơn Phạm |
Với Uber, lái xe sẽ được đảm bảo doanh thu nếu chạy xe trong giờ cao điểm và chạy đủ số chuyến nhất định. Ví dụ, theo thông tin hỗ trợ gần đây nhất từ Uber, khi chạy trong giờ vàng từ 6h đến 9h vào các ngày làm việc trong tuần, Uber sẽ đảm bảo cung cấp cho lái xe khoản tiền 125.000 đồng/giờ, bất kể doanh thu chạy là bao nhiêu, miễn đảm bảo số lượng tối thiểu. Chạy xe trong giờ kẹt xe cũng được tính cước phí cao hơn, đôi khi có thể gấp 3 lần.
Trong khi các hãng như Uber hay Grab nắm bắt tâm lý nhà đầu tư và tài xế, thì các ngân hàng cũng tranh thủ đẩy mạnh các sản phẩm cho vay mua xe. Đại diện của Sacombank cho biết, một lý do quan trọng giúp Ngân hàng tăng trưởng tốt danh mục cho vay mua xe vào năm ngoái là nhờ những chương trình ưu đãi về lãi suất và liên kết với các đại lý kinh doanh xe, rút ngắn thời gian vay vốn đến mức tối thiểu ở mỗi ngân hàng. Đây cũng là cách làm phổ biến ở nhiều tổ chức tín dụng.
Một số ngân hàng còn “điểm mặt” luôn cả đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, đó là mua xe để chạy Uber hay Grab. Ở khía cạnh này, Uber và một vài ngân hàng tỏ ra khá nhanh nhạy. Ngân hàng Bản Việt (hồi tháng 3) và Maritime Bank (tháng 6) đã liên kết với Uber giải ngân cho những người muốn mua xe để chạy Uber.
Các sản phẩm này có gì khác so với những sản phẩm cho vay thông thường? Tạm bỏ qua vấn đề lãi suất ưu đãi (vì còn tùy thuộc vào từng trường hợp và cách tính của ngân hàng), khách hàng được vay đến 95% giá trị tài sản của chiếc xe trong khi trước đó thông thường là 70%, một số ngân hàng cũng tăng lên 90% trong thời gian khuyến mãi. Phần chứng minh thu nhập đã có Uber đứng ra bảo lãnh.
Theo Uber, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai chương trình trợ vốn cho các lái xe chưa có đủ năng lực tài chính được mua xe. Ngân hàng không chỉ trợ vốn cho giới tài xế mà còn cho nhiều nhà đầu tư vay để mua xe, rồi thuê tài xế để lái. Dù là cách này hay cách khác, Uber vẫn được lợi nhờ số lượng đầu xe tăng lên.
Vậy về phía ngân hàng, vì sao lại quyết định liên kết? Đại diện Ngân hàng Bản Việt cho biết, ngân hàng này có chủ trương ra đời những sản phẩm tín dụng đặc thù và riêng biệt. Không chỉ cho vay Uber, Ngân hàng còn có chương trình cho vay mua ôtô dành cho cấp quản lý, cho gia đình,… Tín dụng ôtô đã được giải ngân mạnh trong thời gian gần đây, lên đến 628% trong năm 2015 so với năm 2014. Riêng trong quý I, doanh số giải ngân đạt 95 tỉ đồng, tương đương hơn 83% so với cả năm 2015.
Đối với sản phẩm này, ngân hàng gần như nắm đằng chuôi với tài sản đảm bảo nằm trong tay, dễ thanh lý. Dòng tiền thu về đều đặn từ việc trích lợi nhuận lại từ Uber (với quy định lái xe phải đảm bảo mức doanh thu tối thiểu).
Nhưng cũng có những ngân hàng không đưa ra sản phẩm trực tiếp như vậy. “Ngân hàng lo ngại vì tính pháp lý của những hãng này chưa rõ ràng”, một đại diện ngân hàng (xin được giấu tên) chia sẻ. Ở khía cạnh khác, ôtô là một trong những loại “động sản”, chiếm khoảng 20% giá trị tài sản thế chấp (hoặc cầm cố) ở ngân hàng (số còn lại là bất động sản). Trong khi đó, khả năng quản lý động sản ở các ngân hàng còn nhiều hạn chế, theo chia sẻ của các chuyên gia tại Tọa đàm Giải quyết tranh chấp tín dụng tại tòa án và xử lý tài sản bảo đảm do IFC và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức.
Trong khi một số ngân hàng khá thoải mái với sản phẩm cho vay mua ôtô để chạy Uber hay Grab, thì sự lo ngại lại đặt lên vai chủ xe và tài xế. “Thu nhập từ Uber hay Grab bây giờ không như trước kia, nay đã giảm rất nhiều”, một chủ đầu tư mới vay tiền mua 2 chiếc xe hồi cuối năm 2015 cho biết. Theo nhà đầu tư này, cuối năm ngoái là thời điểm bùng nổ của thị trường vay mua xe chạy Uber vì hãng này chi tiền rất mạnh tay để hỗ trợ.
Về phía chủ đầu tư, đối với các chiếc xe có giá trị khoảng 500 triệu đồng trở xuống, thu nhập tối thiểu từ Uber cũng đã dư dả để trả những khoản cố định như tiền lãi vay, tiền thuê lái xe, tiền xăng, khấu hao xe và tiền chia lại cho Uber (tỉ lệ cố định 20%). Trong khi đó, ở phía tài xế, nếu trừ hết các loại chi phí, lái xe không còn lại được bao nhiêu, trong khi họ phải đảm bảo doanh thu tối thiểu nếu đi vay ngân hàng chạy Uber. Đã có nhiều tài xế bán xe vì không kiếm đủ thu nhập để trả nợ, trong số này đa phần là vì chủ xe không kiếm được tài xế tốt, hoặc lái xe đó không thể cạnh tranh trên thị trường.
Thanh Phong