OPEC vẫn họp bàn về sản lượng dù có hay không có Iran
Tuyên bố này cho thấy sự thay đổi về quan điểm của các nước xuất khẩu dầu Vùng Vịnh, kể cả Arab Saudi - trước kia từng cho rằng tất cả các nước sản xuất chủ chốt đều phải tham gia vào thỏa thuận.
OPEC và các nước ngoại khối sẽ nhóm họp tại Doha vào ngày 17/4 tới đây, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh Al-Sada cho biết, tiếp theo thỏa thuận hồi tháng 2 giữa Arab Saudi, Qatar, Venezuela và Nga nhằm ổn định sản lượng.
"Đến nay, khoảng 15 nước, OPEC và ngoài OPEC, cung cấp khoảng 73% tổng sản lượng dầu toàn cầu, ủng hộ sáng kiến này", ông Sada cho biết. Qatar đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch OPEC trong năm 2016.
Giá dầu phiên 16/3 tăng mạnh sau tin tức trên và số liệu cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 4/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 2,12 USD, tương ứng 5,8%, lên 38,46 USD/thùng, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ 22/2.
Giá dầu Brent giao tháng 5/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,59 USD, tương đương 4,1%, lên 40,33 USD/thùng.
Sự lưỡng lự của Iran trong việc tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng được coi là trở ngại tiềm tàng.
Tuy nhiên, hôm thứ Hai 14/3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết sau các cuộc hội đàm tại Tehran rằng thỏa thuận đóng băng sản lượng có thể được ký vào tháng 4 và không có sự tham gia của Iran.
Sự vắng mặt của Iran không phải là yếu tố khiến thỏa thuận đổ vỡ, OPEC cho biết. "Đây có thể là một trở ngại nhưng sẽ không thay đổi được tâm lý tích cực", một nước sản xuất dầu thô chủ chốt OPEC cho biết.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Ông cho biết đã thảo luận với Bộ trưởng Năng lượng Qatar Al-Sada và Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Ali al-Naimi hôm thứ Tư 16/3. Với thỏa thuận đóng băng sản lượng, thị trường dầu mỏ sẽ tái cân bằng vào cuối năm nay, và nếu không có thỏa thuận này, thị trường chưa thể tái cân bằng cho đến cuối năm 2017.
Ít nhất, thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ giúp ngăn đà tăng của tình trạng thừa cung - vốn đã khiến giá dầu lao dốc từ mức trên 100 USD/thùng hồi tháng 6/2014.
Hiện vẫn chưa rõ liệu cả 13 nước thành viên OPEC cũng như nước sản xuất ngoài OPEC nào sẽ tham gia phiên họp. Kuwait và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tuyên bố họ sẽ cam kết đóng băng sản lượng nếu các nước khác cũng có hành động tương tự.
Qatar đã gửi giấy mời đến tất cả các nước thành viên OPEC cũng như một số nước ngoại khối.
Sự tham gia thỏa thuận của Iraq đóng vai trò rất quan trọng. Baghdad hôm thứ Hai 14/3 cho biết, sáng kiến đóng băng sản lượng là có thể chấp nhận được.
Nhật Trường
Nguồn Reuters