OPEC quyết định không thay đổi trần sản lượng dầu thô
Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng bất đồng này là khi Iran tuyên bố sẽ không xem xét bất kỳ việc giảm sản lượng nào cho đến khi sản lượng dầu của nước này trở lại ngưỡng trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt.
Phiên họp kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ và kết thúc với sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ OPEC khi một số nước thành viên lên tiếng mạnh mẽ về việc cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu - đang dao động quanh mức 40-50 USD/thùng trong thời gian qua.
Diễn biến trong phiên họp hôm thứ Sáu này khiến OPEC lún sâu hơn vào cuộc chiến giá dầu trong một thị trường đang thừa cung trầm trọng.
Giá dầu đã giảm hơn ½ trong 18 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu 4/12 giá dầu Brent giảm 1,9% xuống 43 USD/thùng, sát mốc thấp nhất 6 năm qua.
Nhiều ngân hàng như Goldman Sachs dự đoán gia dầu có thể giảm xuống 20 USD/thùng nếu thế giới tiếp tục bơm lên lượng dầu vượt quá nhu cầu tiêu thụ và các kho chứa không còn chỗ để chứa dầu.
Tuyên bố cuối cùng của OPEC được đưa ra mà không đề cập đến mức trần mới về sản lượng dầu thô của Khối. Lần gần đây nhất OPEC không thể đạt được thỏa thuận là năm 2011 khi Arab Saudi gây áp lực buộc OPEC tăng sản lượng để ngăn chặn tình trạng tăng giá trong bối cảnh bất ổn tại Libya.
Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri cho biết, OPEC không thể nhất trí được về bất kỳ “con số nào” vì không thể dự đoán được Iran sẽ bơm thêm bao nhiêu dầu vào thị trường trong năm tới khi các lệnh trừng phạt nước này được dỡ bỏ.
Iran trước phiên họp cho biết Tehran sẽ tăng nguồn cung dầu thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày - khoảng 1% nguồn dầu toàn cầu - sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Thế giới hiện đang thừa cung 2 triệu thùng.
Trong khi đó, Chủ tịch OPEC Emmanuel Ibe Kachikwu đồng thời là Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria, cho rằng, OPEC đã xem xét việc cắt giảm sản lượng nhưng quyết định rằng giảm “kể cả 5% sản lượng cũng không thể đẩy giá dầu lên nếu các nước ngoài OPEC - chiếm 2/3 sản lượng dầu toàn cầu - không cắt giảm.
Thay vào đó, OPEC sẽ duy trì sản lượng hiện nay - khoảng 31,5 triệu thùng/ngày - và “theo dõi sát sao diễn biến thị trường trong những tháng tới”, tuyên bố của OPEC sau phiên họp cho biết.
Nhật Trường
Một năm trước. Arab Saudi thúc đẩy OPEC quyết định giữ thị phần thay vì cắt giảm sản lượng với hy vọng các nhà sản xuất dầu thô có chi phí cao hơn như dầu đá phiến của Mỹ sẽ phải rời bỏ thị trường.
Tại phiên họp, OPEC cũng hoan nghênh việc tái gia nhập của Indonesia - thành viên thứ 13. Hiện OPEC cung cấp khoảng 1/3 sản lượng dầu toàn cầu và không tính Nga hay Mỹ, Arab Saudi hiện là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Nguồn Reuters,WSJ