OPEC khiến dầu Mỹ hết bùng nổ
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm xuống sát mức tháng 11/2104 khi OPEC chuyển hướng chiến lược sang tập trung vào hạ bệ đối thủ cạnh tranh và giành giật thị phần. Và khi ngành dầu đá phiến của Mỹ yếu thế, nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô của OPEC sẽ tăng lên trong năm nay, chấm dứt 2 năm suy giảm liên tục, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tuy giá dầu tuột dốc và số giàn khoan giảm kỷ lục ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dầu đá phiến của Mỹ, song các thành viên OPEC cũng phải trả một giá đắt.
Doanh thu từ dầu mỏ giảm, thậm hụt ngân sách tăng lên và đồng nội tệ mất giá đã khiến nhiều thành viên OPEC gặp không ít vấn đề khó khăn nghiêm trọng về kinh tế.
Bên cạnh đó, việc sản lượng dầu Mỹ tiếp tục bùng nổ trong khoảng 6 tháng sau quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC hồi tháng 11/2014 đồng nghĩa rằng đến nay thành công của OPEC chỉ là đưa thị trường trở lại vạch xuất phát mà thôi.
Tháng 11 năm ngoái, OPEC đã từ bỏ vai trò truyền thống trong việc cắt giảm sản lượng để giải quyết tình trạng thừa cung khi dòng dầu cuồn cuộn từ Mỹ đang khiến thị phần của OPEC ngày một giảm. Do vậy, OPEC đã quyết định tiếp tục bơm thêm dầu, cho phép giá dầu lao dốc nhằm gây khó khăn cho đối thủ cạnh tranh có chi phí sản xuất cao hơn. Thậm chí, trong cuộc họp với các nước ngoại khối, kể cả Nga, hôm thứ Tư 21/10 tại Vienna, OPEC cũng không thảo luận về việc cắt giảm sản lượng.
Kế hoạch không giảm sản lượng của OPEC dường như đang phát huy tác dụng. Hiện giá dầu vẫn thấp hơn 34% so với mức của tháng 11/2014. Tuy vậy, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm 500.000 thùng/ngày so với mức đỉnh hồi tháng 6 xuống 9,1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào 9/10, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Đà sụt giảm này sẽ tiếp tục trong năm 2016 với mức giảm 390.000 thùng/ngày, đưa sản lượng bình quân hàng năm của Mỹ xuống 8,86 triệu thùng/ngày, theo EIA.
Nguồn thu của OPEC sẽ được cải thiện cùng với sự suy yếu của ngành dầu đá phiến Mỹ. IEA dự đoán nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô của OPEC sẽ tăng lên 31,1 triệu thùng/ngày vào năm 2016 từ 29,3 triệu thùng/ngày trong năm 2014.
Thành công là vậy, song thiệt hại cũng rất đáng kể. Từ đầu năm đến nay, giá bình quân dầu thô OPEC thấp hơn 46% so với năm 2014, đồng nghĩa kim ngạch xuất khẩu mất 370 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách của Arab Saudi - kiến trúc sư trưởng chiến lược OPEC - trong năm nay tăng lên 20% GDP, theo số liệu của IMF. Tuy Vương quốc này có thể sử dụng lượng dự trữ ngoại hối và cắt giảm chi tiêu để đối phó với tình trạng giá dầu tuột dốc, song tài sản tài chính có thể cạn kiệt trong vòng 5 năm nếu chính phủ tiếp tục duy trì chính sách hiện tại và giá dầu vẫn ở mức thấp, IMF cho biết hôm thứ Tư 21/10.
Các thành viên nghèo hơn của OPEC thậm chí có ít lựa chọn hơn. Mối nguy bất ổn chính trị ngày một tăng tại nhóm "Fragile Five" gồm Algeria, Iraq, Libya, Nigerria và Venezuela (5 nền kinh tế mong manh), theo RBC Capital Markets LLC.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg