OPEC bất đồng trong việc bầu ra lãnh đạo mới
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định rằng OPEC sẽ khó có thể phản ứng kịp với cuộc bùng nổ khai thác dầu từ đá phiến sét - điều được cho là sẽ vẽ lại bản đồ dầu mỏ thế giới và đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2020. OPEC dự đoán nhu cầu dầu thế giới từ tổ chức này sẽ giảm 5% trong vòng 4 năm tới.
Việc chọn ra một người kế nhiệm ông Abdalla Salem el-Badri đến từ Lybia- người sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng này sau 6 năm giữ vị trí lãnh đạo OPEC, là một quyết định khó khăn. Hiện có 3 ứng viên cho vị trí này: cựu bộ trưởng dầu khí Iraq Thamir Ghadhban, cựu bộ trưởng dầu khí Iran Gholam-Hossein Nozari và ông Majid Munif - từng là chuyên gia tư vấn cấp cao của OPEC do Ảrập Xêút đề cử.
Theo một số đại biểu OPEC, các ứng viên được đề cử bởi Ảrập Xêút và Iran có ít khả năng được lựa chọn do bất đồng giữa các quốc gia này. Mối quan hệ giữa Ảrập Xêút và Iran xấu đi khi Tehran đầu năm nay đe dọa chặn eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu Ảrập Xêút. Iran cho rằng việc Ảrập Xêút tăng sản lượng đã tiếp tay cho phương Tây áp lệnh từng phạt lên xuất khẩu dầu thô Iran.
Trong khi đó, các nước vùng Vịnh đang tập hợp đằng sau ứng cử viên của Ảrập Xêút, khiến ứng viên của Iraq cũng khó có thể được lựa chọn, đại biểu cho biết.
Bộ trưởng dầu khí Iraq Abdul Kareem Luaiby hôm qua 9/12 cảnh báo rằng, việc OPEC không thể đạt được thỏa thuận về việc bầu ra lãnh đạo mới sẽ "gây nguy hại cho tổ chức" và nguy hại đến sự ổn định của thị trường dầu. OPEC hiện cung cấp khoảng 1/3 nguồn cung dầu thế giới.
Về mức giá dầu, các thành viên OPEC cho biết họ hài lòng với mức giá dầu Brent ở khoảng 110 USD/thùng như hiện nay. Điều này có nghĩa là trong cuộc họp tại Vienna sắp tới, OPEC dự kiến sẽ không thay đổi mức trần sản lượng 30 triệu thùng/ngày, theo một vài đại biểu của tổ chức. Tuy nhiên, họ mong muốn sản lượng sẽ được cắt giảm vào đầu năm tới để tránh việc dư cung.
Nguồn WSJ/Khampha