Hội chợ trực tuyến đang là phương án nhiều đơn vị lựa chọn trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh:TTXVN
Online hóa hội chợ kết hợp công nghệ thực tế ảo
Xu hướng tất yếu trong thời công nghệ số
Theo số liệu từ Hiệp hội Bông Mỹ, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm, trong đó có hơn 800.000 tấn bông nhập từ Mỹ (chiếm 60% tổng sản lượng nhập khẩu). Lượng bông Việt Nam nhập từ Mỹ chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Mỹ và là quốc gia nhập bông Mỹ nhiều nhất thế giới.
Vì vậy, thị trường Việt Nam vốn nhiều tiềm năng và được Hiệp hội Bông Mỹ rất quan tâm. Thường lệ mọi năm, Hiệp hội bông Mỹ thường tổ chức các buổi kết nối giửa các đối tác và các doanh nghiệp khách hàng bằng việc tổ chức Hội chợ Ngày hội ngành bông – Cotton Day Vietnam vào tháng 9 hằng năm. Tuy nhiên, dịch bệnh nên Hiệp hội Bông Mỹ quyết định tổ chức hội chợ năm nay bằng hình thức trực tuyến vào ngày 22.9 tới đây.
Theo ông Võ Mạnh Hùng, trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam, chúng tôi luôn muốn hỗ trợ các khách hàng kết nối với nhau. Vì vậy, năm nay dịch COVID-19 đã khiến dự án Ngày hội ngành bông lớn nhất trong năm sẽ diễn ra lần đầu tiên dưới hình thức Hội thảo trực tuyến trên nền tảng công nghệ thực tế ảo.
Hội chợ online năm nay là một giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp quốc tế. Ảnh: vietgiaitri |
Cotton Day năm nay nhằm cung cấp thông tin thị trường mới nhất cho các đối tác và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Hùng chia sẻ. Nếu như những buổi Hội thảo trực tuyến khác chỉ đơn thuần là phần diễn thuyết của các diễn giả qua video call thì Cotton Day Vietnam 2020 sẽ có cả không gian triển lãm ảo, họp trực tuyến được áp dụng hình thức công nghệ thực tế ảo. Khi đó, người tham dự dù ở bất kỳ đâu vẫn có cảm giác chân thực như đang tham dự Hội thảo trực tiếp, ông Hùng, chia sẻ.
Theo ông Hùng, bông Mỹ là một trong những sự lựa chọn có đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc.
Bông Mỹ là một trong những sự lựa chọn có đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Ảnh:Vietgiaitri |
Hội thảo, Triển lãm Online đã bắt đầu được các đơn vị tổ chức từ đầu năm nay, khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều nước. Hồi tháng 6, Công ty TNHH MTV Quảng cáo và triển lãm Minh Vi đã phát đi thông tin gửi đến khách hàng để mời họ tham gia Triển lãm xuất khẩu trực tuyến Chiết Giang - Chuyên ngành làm vườn, trồng hoa. Dù là trực tuyến song triển lãm này cũng thu hút gần 100 doanh nghiệp đến từ Chiết Giang - tỉnh trọng điểm xuất khẩu của Trung Quốc.
Theo Công ty Trách nhiệm Hữu hãn Một thành viên Quảng cáo và triển lãm Minh Vi, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phải đóng cửa, các quy định hạn chế đi lại được áp dụng, nhưng nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp vẫn rất lớn thì triển lãm trực tuyến là một giải pháp khả thi ở thời điểm này. Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp được tham gia hoàn toàn miễn phí. Và khách tham quan có thể ghé thăm các gian hàng, xem phát trực tiếp (livestream), trao đổi với đơn vị triển lãm thông qua website và ứng dụng của triển lãm, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí so với triển lãm truyền thống.
Lên hội chợ online chốt đơn hàng
Theo dự kiến, Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA Expo 2020) sẽ được tổ chức từ ngày 11-14.3 nhưng gần đến ngày diễn ra đã phải dời lại vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gỗ Liên Minh, đại diện ban tổ chức cho biết, chương trình sẽ được dời đến thời điểm thích hợp sau khi hoàn toàn hết dịch COVID-19.
Trước tình hình này, nhiều Chuyên gia góp ý Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) -đơn vị tổ chức VIFA Expo 2020, xây dựng một hội chợ online. Sau đó, các thành viên trong Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đã xây dựng showroom ngành gỗ với tên gọi HOPE (HAWA Online Platform for Exhibition) và chính thức đưa vào hoạt động từ 7.8.
Triển lãm ngành gỗ phải dời lại và mở ra showroom online cho ngành gỗ. Ảnh: Qúy Hòa |
Thông qua nền tảng HOPE, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để đưa nhà máy và showroom rộng 300 m2 lên không gian ảo chưa đến 10 triệu đồng. Chi phí này được các doanh nghiệp ngành gỗ cho là không cao nhưng khách hàng sẽ thấy từng ngóc ngách và chi tiết từng sản phẩm.
Hương Nga Fine Arts là công ty nội thất sơn mài đã không thể tham dự các hội chợ, triển lãm do dịch COVID-19, đây vốn là cách tiếp cận tối ưu nhất với các nhà mua hàng quốc tế. Ngược lại, đối tác nước ngoài cũng không thể đến Việt Nam tham quan nhà máy, showroom để trực tiếp xem xét sản phẩm.
Bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc công ty cho biết doanh thu sụt giảm, đội ngũ bán hàng phải hoạt động với công suất gấp 3 lần bình thường để duy trì và tìm khách hàng mới. Nhưng khách hàng vẫn do dự vì vẫn mong muốn nắm được sản phẩm, bà Nga chia sẻ.
Thế nhưng, trong vòng 1 tháng kể từ khi hoàn thiện nhà máy tham gia showroom trực tuyến, doanh nghiệp đã có 2 đơn hàng xuất khẩu sang Anh và Đức. Bà Hương Nga cho biết, những đơn hàng này có thể giúp duy trì công ăn việc làm cho mấy chục nhân viên đến hết năm.
Thực tế, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch HAWA, các doanh nghiệp ngành gỗ bước đầu đã ghi nhận đơn hàng xuất khẩu từ tháng 7. Kết quả này có được chủ yếu nhờ các hoạt động xúc tiến và quảng bá trực tuyến.